Thổ Nhĩ Kỳ phát động dọn dẹp lớp nhầy đặc để cứu Biển Marmara
Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố sẽ cứu Biển Marmara ở Istanbul bằng cách khởi động một chương trình quản lý thiên tai nhằm làm sạch một lớp nhầy đặc đe dọa sinh vật biển và ngành đánh bắt cá.
Lớp màng nhầy đặc này đã lan ra biển phía Nam Istanbul bao phủ các bến cảng, đường bờ biển và các đầm lầy trên bề mặt. Một số đã chìm xuống dưới sóng biển.
Bộ trưởng Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ, ông Murat Kurum cho biết 25 tàu làm sạch bề mặt biển và rào chắn, cũng như 18 tàu khác đang làm việc để ngăn chặn chất nhầy lan rộng. Ông cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cấm đánh bắt bất hợp pháp và lưới "ma" - loại lưới đánh cá đã được ngư dân để lại hoặc đánh mất trên đại dương và đất nước sẽ tuyên bố Marmara là một khu vực được bảo vệ vào cuối năm 2021.
Ông Kurum cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu nỗ lực làm sạch cả trên đất liền và trên biển tại 15 điểm. Chúng tôi quyết tâm cứu Marmara. Khoảng 1.000 công nhân sẽ chuyển chất thải vào bờ và chở đến các cơ sở của thành phố”.
Các nhà khoa học cho rằng lượng lớn chất nhầy xuất hiện gần đây là do sự kết hợp của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, làm tăng tốc độ phát triển của tảo gây ra bùn nhầy. Trong khi đó, cư dân ủng hộ việc làm sạch biển, nhưng họ phàn nàn về tình trạng ô nhiễm không thể kiểm soát trong nhiều năm ở biển.
Theo trang Guardian (Anh), chất nhầy này từng được ghi nhận lần đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2007 và cũng xuất hiện ở các vùng biển Aegean gần Hy Lạp. Tuy nhiên, đây là lần ô nhiễm nghiêm trọng nhất.
Biển Marmara - trải dài dọc bờ biển phía Nam của Istanbul từ eo biển Bosphorus đến biển Aegean - có mật độ dân cư đông đúc và là nơi có nhiều khu công nghiệp.
Mai Đan