Thỏa thuận tài chính khí hậu hàng trăm triệu USD bảo tồn đồng cỏ Mông Cổ
Thỏa thuận tài chính khí hậu "Mông Cổ vĩnh cửu" nhằm mục đích bảo tồn cánh đồng thảo nguyên quý giá ở quốc gia này, đồng thời là hình mẫu lý tưởng cho các quốc gia khác học tập theo.
Sở hữu đồng cỏ thảo nguyên rộng mênh mông nhưng Mông Cổ lại đang phải gánh chịu những thảm họa khí hậu tồi tệ hàng đầu thế giới. Để bảo vệ 144 nghìn km² tài nguyên đất và nước, bao gồm cả những đồng cỏ, chính phủ Mông Cổ và các đối tác trong liên minh đã ký kết thỏa thuận tài chính thiên nhiên mang tên "Mông Cổ vĩnh cửu". Dự tính đây sẽ là một trong những thỏa thuận tài chính khí hậu lớn nhất châu Á tính đến thời điểm hiện tại.
Mông Cổ sở hữu cách đồng cỏ ôn đới rộng lớn còn sót lại cuối cùng trên thế giới. Nơi đây lưu trữ khoảng 14 - 15 triệu tấn carbon và cũng là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã quý hiếm như cừu Argali, linh dương Saiga đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng cỏ của Mông Cỏ được xếp vào nhóm những cảnh quan nguy cấp cần được bảo tồn nhất hành tinh.
Theo như thỏa thuận, các nguồn tài nguyên của Mông Cổ sẽ nhận được quỹ hỗ trợ trị giá 71 triệu USD do các nhà tài trợ toàn cầu cung cấp và 127 triệu USD do chính phủ chi. Tất cả số quỹ này đều nhằm phục vụ công tác bảo tồn tài nguyên trong thời gian 15 năm. Thỏa thuận "Mông Cổ vĩnh cửu" được triển khai theo mô hình tài trợ dự án lâu dài. Mô hình này mới có thể đảm bảo được các thay đổi về chính sách và nguồn tài trợ, đồng thời ràng buộc chúng bằng các yêu cầu về giải ngân vốn.
Nhờ có bản thỏa thuận mang tính đột phá này, Khu Bảo tồn Quốc gia của Mông Cổ sẽ được mở rộng mạng lưới đáng kể. Đây cũng được gọi là bản kế hoạch mẫu đầy đủ và chi tiết cho các quốc gia khác trên thế giới học tập theo.
Ông Bat-Erdene Bat-Ulzii, Bộ trưởng Du lịch và Môi trường Mông Cổ cho biết, đất nước Trung Á này đã phải đối mặt thường xuyên với những tác động của biến đổi khí hậu. Trong vòng 80 năm qua, nhiệt độ ở Mông Cổ đã tăng 2,25 độ C, cao hơn hẳn so với những nơi khác trên thế giới. Điều đó cũng kéo theo tình trạng khí hậu khắc nghiệt như hạn hán và bão bụi. Năm 2023 có thể được coi là một năm khắc nghiệt nhất với người dân Mông Cổ khi hàng triệu gia súc bị chết do giá rét, kế sinh nhai và kinh tế của người dân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, thỏa thuận "Mông Cổ vĩnh cửu" còn có kế hoạch thiết thiết lập phí bù đắp đa dạng sinh học. Đây là loại phí được tính cho các công ty khai thác vàng và tài nguyên hoạt động tại quốc gia này. Số tiền thu được sau đó sẽ được quyên góp lại và tài trợ cho các dự án bảo tồn.
Theo: Reteurs
Gia Tuệ