Thông điệp mới nhất của Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19
Bộ Y tế thông báo sửa đổi thông điệp 5K thành 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn. Đồng thời, kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng và sự xuất hiện nhiều biến chủng mới, Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 mới nhất.
Theo đó, sửa đổi thông điệp 5K thành 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch.
Về khẩu trang, Bộ Y tế khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Tuy nhiên, bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4.
Và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo hướng dẫn mới về quy định đeo khẩu trang vừa ban hành ngày 7/9, bao gồm: Tại cơ sở y tế; nơi cách ly y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách ly y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế; khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; tại nơi có không gian kín, thông khí kém; tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người; tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Về khử khuẩn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
Đối với "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch. Cụ thể, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu – độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Trước đó, trong Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch Covid-19. Bởi trong 7 tháng đầu năm 2022, trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã tăng trở lại.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành, tiếp tục thực các biện pháp phòng, chống dịch chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. Lý do vì đối với dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới của virus liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Bộ Y tế nêu rõ, trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Trong nước, mặc dù tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc tuy nhiên số ca mắc đã có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.
Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. Tuy nhiên theo Bộ Y tế vẫn cần luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu. Tại Việt Nam vẫn ghi nhận số mắc, tử vong và đang có xu hướng gia tăng trở lại. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai linh hoạt, để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.
“Có bắt buộc học sinh phải tiêm vaccine Covid-19 mới được đi học trực tiếp"?
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối ngày 6/9, trả lời câu hỏi "có địa phương bắt buộc học sinh phải tiêm vaccine Covid-19 thì mới được đi học trực tiếp, xin cho biết trong bối cảnh bình thường mới thì yêu cầu này có hợp lý? Nhiều trẻ không thể tiêm vaccine thì yêu cầu này có khiến các em thiệt thòi trong học tập?", PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng dẫn thông tin theo Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hiệp Quốc cho thấy: tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch. Tiêm vaccine phòng Covid-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại Covid-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong, để các em sẵn sàng cho năm học mới.
“Chúng ta đều không mong muốn dịch bệnh bùng phát trở lại như năm 2021. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh, người giám hộ trẻ em nên đưa trẻ từ 5 tuổi trở lên đi tiêm chủng đầy đủ và kịp thời”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Lan Anh