Thu phí thoát nước liệu có là giải pháp chống ngập cho TP.HCM
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp như sau: Năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25%, năm 2025 là 30%.
Đối tượng áp dụng gồm: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đảm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đắt) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về phương thức thu, đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, căn cứ khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng, mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải nêu trên, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn tiền nước.
Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá thu không được thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ thu hộ; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lý khác theo quy định hiện hành. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2022.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng, lộ trình thu phí dịch vụ thoát nước sẽ tăng hằng năm như sau: năm 2020 thoát trên 1 m3 nước là 1.430 đồng (chưa gồm thuế GTGT); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và 4.237 đồng vào năm 2024. Dễ hiểu hơn, với hộ gia đình xả khoảng 100 m3 nước/tháng, tiền thoát nước sẽ tăng từ 1,2 triệu đồng (năm 2020) lên gần 1,8 triệu đồng (năm 2024). Ðối tượng phải nộp phí là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Việc thu phí được cho là nhằm tạo công bằng xã hội, tạo thêm nguồn thu phục vụ hoạt động quản lý, vận hành, duy tu và bảo trì hệ thống thoát nước.
Thu phí thoát nước liệu nước có thoát ngập?
Trong 5 năm triển khai chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, số kinh phí ngân sách TP.HCM đầu tư cho hoạt động chống ngập là 25.998 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Rõ ràng ngân sách thành phố đã bỏ ra không ít và mặc dù lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm và dành nhiều ưu tiên chính sách cho việc chống ngập, thậm chí chống ngập được đưa vào 7 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2016 - 2020 nhưng đến nay hiệu quả các dự án vẫn đang còn là một câu hỏi lớn.
Người dân trông chờ các dự án chống ngập và tin tưởng nhiều dự án lớn với số tiền hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ giúp thành phố chống ngập, cải thiện tình hình tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thành phố có đảm bảo số tiền thu được từ nước thải sẽ được đầu tư minh bạch vào hạ tầng thoát nước và cam kết sẽ không còn cảnh ngập? Nếu vẫn không hiệu quả, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Công bằng mà nói, chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước… là đúng đắn, vừa giảm chi phí đầu tư cho ngân sách Nhà nước vốn còn eo hẹp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, nếu áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước như đề xuất sẽ rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay. Bởi, thực tế không chỉ thu nhập của người dân đang bị giảm sút do tác động của đại dịch Covid-19 mà từ những năm 2016, người dân TP.HCM đã phải đóng khoản phí "bảo vệ môi trường đối với nước thải" tính bằng 10% giá nước sạch, theo Quyết định số 24/2016/QÐ-UBND (ngày 2/7/2016 của UBND TP.HCM).
Chưa kể, trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành. Trong trường hợp các dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành thì người dân sinh sống trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải hai lần: Một lần, trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải; một lần, đóng "phí bảo vệ môi trường" thông qua trả tiền nước sạch.
Để giảm gánh nặng cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia kinh tế kiến nghị UBND TP.HCM cân nhắc, xem xét, chưa nên áp dụng "giá dịch vụ thoát nước" (gồm "phí bảo vệ môi trường đối với nước thải") trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019. Thay vì thu phí như đề xuất, lãnh đạo thành phố nên hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra, nghiệm thu đạt chuẩn để được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong các dự án này.
Bên cạnh đó, nếu TP.HCM cần huy động vốn xã hội để thực hiện chương trình chống ngập thì cần lên kế hoạch cụ thể, công khai thông tin, tổng kinh phí, đơn vị thực hiện, qua đó có thể phát hành trái phiếu đô thị để huy động vốn từ người dân. Khi nào kinh tế phát triển ổn định, thành phố có thể mua lại trái phiếu, trả vốn cho người dân. Ðây là cách huy động vốn mà nhiều nước phát triển áp dụng, vừa bảo đảm tính minh bạch, công bằng vừa không tạo gánh nặng cho người dân.
L.T