Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/05/2024 07:58 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kết nối các tuyến cao tốc để tới Tây Nguyên nhanh nhất

Theo dõi KTMT trên

Chiều 25/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, chủ trương đầu tư đường cao Bắc Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa Chơn Thành.

Thảo luận tại tổ chiều ngày 25/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)…

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kết nối các tuyến cao tốc để tới Tây Nguyên nhanh nhất - Ảnh 1
Thủ tướng cho biết tinh thần chỉ đạo chung với các dự án cao tốc là hướng tuyến cần thẳng nhất, ngắn nhất có thể và tránh khu dân cư, không bám theo đường cũ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước hết dành thời gian phân tích về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới; về các yếu tố nền tảng, đường lối phát triển cơ bản của đất nước, các chính sách về đối ngoại, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Thủ tướng, đến nay, chúng ta đã cơ bản hình thành được hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, với 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với đó, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Nguyên tắc xuyên suốt là: Lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực chủ yếu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Điểm lại những dấu mốc quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tuy nhiên, đất nước ta vẫn còn những khó khăn, thách thức do một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, năng lực nội tại còn hạn chế, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, độ mở lại lớn nên chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.

Theo Thủ tướng, Đất nước ta, dân tộc ta càng áp lực lại càng nỗ lực, càng khó khăn lại càng thông minh. Muốn thực hiện các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó. Quan điểm là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, cơ bản các đại biểu đánh giá chương trình là đúng, trúng, kịp thời, tuy đây là công việc chưa có tiền lệ. Chương trình gồm 4 hợp phần lớn về: (1) đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (3) hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng cho rằng cả bốn nội dung của chương trình đều cơ bản làm tốt. Đơn cử, về an sinh xã hội, cả nước đã hỗ trợ hơn 100 nghìn tỷ đồng cho trên 67 triệu lượt người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Về đầu tư hạ tầng, hiện cả nước đang như một công trường triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, trên địa bàn 45 tỉnh, thành phố, trong đó có các dự án từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sẽ giúp tạo không gian phát triển mới, nhưng cần thời gian tương đối dài để đánh giá hiệu quả.

Việc đầu tư nâng cao năng lực y tế cũng làm cơ bản tốt, dù có những khó khăn, vướng mắc do thủ tục, quy định.

Riêng với nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá có phần làm tốt, song việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) với quy mô tối đa 40.000 tỉ đồng làm chưa tốt.

Phân tích nguyên nhân, Thủ tướng cho biết cách tiếp cận của chính sách hỗ trợ lãi suất chưa phù hợp, chưa đúng – trúng với thực tiễn. Thay vì cách tiếp cận phù hợp hơn là vay - trả, vay thì phải trả, có khả năng trả thì cho vay; việc hỗ trợ này lại yêu cầu khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Chuyển trạng thái nhưng lại không chuyển cơ chế chính sách thì không làm được.

Tuy nhiên, dù không sử dụng hết 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất nhưng nhiều chính sách khác đã được triển khai tốt, như đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2 năm đã lên đến gần 200.000 tỉ đồng.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải nhìn vào bức tranh tổng thể để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đồng thời ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội góp phần hoàn chỉnh chính sách để làm tốt hơn, trong đó có thể chuyển gói này sang Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho các mục tiêu khác….

Tương tự, với các chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng khẳng định chủ trương là hết sức đúng đắn để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhưng khi làm thì có những nội dung chưa tính toán hết được, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nếu chính sách chưa phù hợp thì đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Theo Thủ tướng, chính sách nào cũng có tác động nhiều mặt, nhưng cần lựa chọn phương án tối ưu nhất, lấy kết quả, hiệu quả tổng thể để đánh giá. Đơn cử, thông thường các nước phải lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát, muốn kiểm soát lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng. Còn chúng ta hiện đang vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng tăng trưởng phải cao hơn lạm phát, nếu tăng trưởng thấp hơn lạm phát thì đời sống nhân dân khó khăn.

Thời gian qua, trong bối cảnh hậu quả đại dịch COVID-19 còn kéo dài, tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, xung đột ở nhiều nơi kéo dài, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng…, thực tiễn cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, cơ bản đạt được tất cả các mục tiêu lớn đã đề ra, trong đó có kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, thu nhập bình quân đầu người, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

"Những quyết sách của Quốc hội là đúng đắn, là kịp thời. Chúng ta đã làm tốt, bên cạnh đó, có những cái chưa tốt theo quy luật vận động phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu và cho rằng, chỉ ra những thiếu sót sẽ giúp chúng ta nhận biết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, khi có sự việc, tình huống tương tự thì mạnh dạn, tự tin quyết định làm.

"Những kết quả đạt được cho ta thấy được nỗ lực của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ tổng thể lớn này, chúng ta có khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới để đi lên, tạo thắng lợi mới, tiếp tục thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII, bước vào Đại hội XIV với tâm thế mới, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thực hiện các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045", Thủ tướng phát biểu.

Thời gian tới sắp, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tập trung mạnh mẽ cho các đột phá chiến lược, gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng và đào tạo nhân lực.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Quốc hội và Chính phủ đã rất tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thể chế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Kết nối các tuyến cao tốc để tiến tới Tây Nguyên nhanh nhất

Về các tuyến đường cao tốc, Thủ tướng cho biết trước đây chúng ta làm chưa nhiều, chưa thu xếp được nhiều vốn để đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc. Hiện nay, nước ta đang đồng loạt triển khai hàng loạt tuyến cao tốc từ theo trục dọc Bắc – Nam và các tuyến theo trục ngang Đông – Tây trên tất cả các vùng miền.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng trong quá trình xây dựng các tuyến cao tốc, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, cấp phép các mỏ nguyên vật liệu thông thường cho các dự án. Cùng với đó, cần sửa Luật Đấu thầu, chống tình trạng "quân xanh, quân đỏ"…

Theo Thủ tướng, khi có mặt bằng rồi, chúng ta tập trung cao độ triển khai dự án với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết… thì tiến độ các dự án sẽ bảo đảm, thậm chí vượt tiến độ. Như cầu Mỹ Thuận 2 do chúng ta tự làm, tuy cầu dài hơn, to hơn, cao hơn, rộng hơn, đẹp hơn nhưng lại rẻ hơn và thời gian ngắn hơn so với cầu Mỹ Thuận 1 (từ nguồn vốn đi vay nước ngoài là chủ yếu).

Về các mỏ nguyên vật liệu, có đại biểu đã phát biểu là "mỏ đất mà làm như mỏ vàng" về thủ tục, gây nên khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề con người, tổ chức thực hiện. Thực tế nhiều đơn vị, nhiều công trình, dự án cho thấy thay vì phải làm rất nhiều việc thì chỉ cần thay thế một vài người trong bộ máy lãnh đạo thì tình hình đơn vị, việc triển khai các dự án, công trình sẽ thay đổi hẳn theo hướng tích cực.

Mong Quốc hội ủng hộ việc thực hiện cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thủ tướng nêu rõ đây là con đường rất chiến lược, các cơ quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng việc kết nối các tuyến cao tốc để tiến tới Tây Nguyên nhanh nhất.

Trong đó, để kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ thì tuyến Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang thi công, tuyến Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) đang được nghiên cứu triển khai; còn tuyến Gia Nghĩa – Chơn Thành là tuyến thuận lợi nhất để đi từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ.

Ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết tinh thần chỉ đạo chung với các dự án cao tốc là hướng tuyến cần thẳng nhất, ngắn nhất có thể và tránh khu dân cư, không bám theo đường cũ. Điều này giúp giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Theo Thủ tướng, như vậy về tổng thể là hiệu quả nhất, song điều này cũng có thể có những tác động, bất cập nhất định như gây chia cắt các khu dân cư, chúng ta có giải pháp phù hợp để khắc phục như xây dựng các cầu vượt dân sinh, các nút giao… và cũng có thể nghiên cứu việc sáp nhập các đơn vị hành chính như đại biểu đề xuất.

Theo Hà Văn/VGP

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kết nối các tuyến cao tốc để tới Tây Nguyên nhanh nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới