Chủ nhật, 24/11/2024 00:36 (GMT+7)
Thứ ba, 05/11/2024 11:14 (GMT+7)

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Sáng 4/11, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức Hội nghị Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng quặng Apatit. Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật - Vinachem cho biết chất lượng quặng tuyển cung cấp cho các đơn vị ngày càng suy giảm, thể hiện qua hàm lượng P2O5 ngày càng giảm, tạp chất oxit kim loại có hại (Al2O3, Fe2O3, MgO) ngày càng tăng cao. Chất lượng quặng II không ổn định, nhiều thời điểm hàm lượng P2O5 thay đổi, tăng giảm cục bộ, mặc dù hàm lượng P2O5 tính trung bình cả năm vẫn đạt so với hợp đồng; hàm lượng tạp chất oxit kim loại trong quặng II biến động tăng.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit - Ảnh 1
Quang cảnh Hội nghị Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng quặng Apatit. Ảnh: Báo Công thương

Ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị: Đối với nguồn nguyên liệu quặng III, hiện nay một số kho lưu do công ty quản lý đã huy động hết (dự kiến hết năm 2024 quặng III kho lưu chỉ còn khoảng 3 triệu tấn). Các kho còn lại có hàm lượng P2O5 thấp, khó tuyển. Việc không có nguồn quặng III tại các khai trường để trung hòa đảm bảo tính khả tuyển, dẫn đến khó khăn trong công nghệ tuyển, làm giảm tỷ lệ thu hoạch và thực thu sản phẩm, dẫn đến sản lượng quặng tinh giảm, mức tiêu hao quặng III tăng.

Vì vậy, vấn đề quan trọng cần nghiên cứu và triển khai thực hiện là các giải pháp nâng cao chất lượng quặng apatit. Theo chia sẻ tại Hội nghị của ông Nguyễn Trọng Phú, Chuyên gia Hội Tuyển khoáng Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Apatit Việt Nam: Về nhóm giải pháp về nguyên liệu, cần triển khai càng sớm càng tốt chương trình khảo sát, đánh giá tình hình chất lượng, số lượng quặng loại III tại các điểm đã và đang khai thác, các kho lưu.

Đặc biệt tìm kiếm thêm các điểm quặng III trong toàn bộ khu mỏ làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép khai thác sử dụng (dù quặng III nghèo đưa vào tuyển cũng thuận lợi hơn so với tuyển quặng II cả về hiệu quả tuyển quặng và phẩm cấp quặng tinh). Đối với nhóm giải pháp về công nghệ, các nhà máy nên xem xét việc tách tảng sót theo tỉ lệ phù hợp (tùy tình hình nguyên liệu quặng III cấp về). Khi tách tảng sót sẽ có thể tăng được chất lượng quặng tinh và nâng cao hiệu quả tuyển (tuy nhiên khi đó thu hoạch theo dây chuyền sẽ giảm, nhưng thu hoạch công đoạn tuyển sẽ tăng).

Về nhóm giải pháp về thiết bị, tổ chức khảo sát đánh giá tình hình hệ thống thiết bị tuyển, để có các giải pháp hiệu chỉnh, sửa chữa, thay thế (thậm chí thay mới) để các thiết bị hoạt động đảm bảo vai trò công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Cần ưu tiên đầu tư đổi mới hệ thống thiết bị tuyển (đặc biệt là thiết bị nghiền, tuyển), từ trước đến nay ta vẫn thiên về đầu tư thiết bị khai thác, vận tải. Tổ chức tốt công tác sửa chữa thường xuyên, đột xuất, đảm bảo đủ vật tư, chi tiết, thiết bị dự phòng…

TS. Chử Văn Nguyên, Hội Hóa học Việt Nam cũng đề xuất giải pháp Vinachem và các đơn vị thành viên nghiên cứu triển khai chế biến sâu quặng tuyển, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên trong quặng tuyển apatit phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chung của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu triển khai việc sử dụng quặng apatit II hiệu quả, hợp lý cho các dòng sản phẩm chứa lân.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc nghiên cứu cho tất cả các loại nguyên liệu quặng apatit (loại II, loại IV). Nghiên cứu các phương pháp chế biến sâu bằng phương pháp hóa học, xử lý nhiệt... Phòng khi chỉ còn loại quặng quá nghèo, hàm lượng P2O5 thấp, tạp chất lại quá cao các phương pháp tuyển không còn đáp ứng được nữa.

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit - Ảnh 2
Chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm. (Ảnh minh họa)

Để nâng cao chất lượng tuyển quặng, ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ kinh phí khoa học công nghệ và chỉ đạo, kết nối để Viện tiếp tục nghiên cứu, triển khai quặng apatit loại II và loại II nghèo tại khu vực trung tâm, làm nguyên liệu vào tuyển thay thế quặng apatit loại III trên quy mô công nghiệp trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phùng Quang Hiệp Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch HĐTV Vinachem đánh giá cao đóng góp, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị thành viên đã tham gia trong Hội nghị.

Để đưa kết quả Hội nghị vào thực tế, ông Phùng Quang Hiệp đề nghị Công ty Apatit Việt Nam tiếp tục ổn định sản xuất tại các nhà máy tuyển. Về nâng cao chất lượng quặng tuyển, nghiên cứu cải tiến công nghệ tuyển như tập trung vào cải tiến thuốc tuyển, sử dụng phụ gia trợ lắng, trợ lọc, cải tiến chế độ nghiền quặng. Nghiên cứu khả năng bố trí thêm công đoạn tuyển tiếp quặng tuyển có hàm lượng P2O5 < 30%, để đạt quặng tuyển tinh có hàm lượng P2O5 từ 31% trở lên. Tìm kiếm thêm các đối tác tư vấn công nghệ nhằm nâng cao chất lượng/hiệu quả tuyển quặng.

Đối với kế hoạch dài hạn,các đơn vị tăng cường công tác nghiên cứu sử dụng hiệu quả quặng đuôi các nhà máy tuyển, nghiên cứu đưa ra giải pháp, phương án tuyển lại quặng đuôi thải đảm bảo tận thu tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ làm giàu quặng apatit loại II; Triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng apatit loại II theo kế hoạch đề ra.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới