Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 27/12
Cuối năm, vàng miếng SJC lao dốc không phanh; Thị trường bật tăng trở lại, chỉ số VN-Index lấy lại mốc 1.000 điểm..là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 27/12.
Cuối năm, vàng miếng SJC lao dốc không phanh
Trong phiên giao dịch chiều nay, ngày 27-12, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,8 triệu đồng/lượng (mua) và 66,6 triệu đồng/lượng (bán), giảm 300.000 đồng/lượng so với chiều qua.
So với đầu tháng 12, đến nay giá bán vàng miếng SJC đã giảm khoảng 900.000 đồng/lượng trong khi giá bán vàng nhẫn 24K vẫn duy trì ổn định ở quanh ngưỡng 54 triệu đồng mỗi lượng.
Tương tự, các Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý… đồng loạt neo giá mua – bán vàng miếng SJC ở mức 65,8 – 66,7 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối phiên trước.
Thậm chí vàng miếng SJC loại 1 chỉ, 2 chỉ tại Phú Quý chỉ còn được mua vào với giá 65,4 triệu đồng/lượng, tức là thấp hơn so với vàng miếng SJC loại 1 lượng khoảng 400.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, các loại vàng nữ trang 24K lại bật tăng nhẹ. Đơn cử, tại Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ tăng thêm 40.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết giá mua – bán vàng 9999 ở mức 53,09 – 54,29 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng, neo giá vàng nhẫn 24K với mức 53,1 – 53,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ với mức giá giao ngay dao động ở mức 1.809 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với một ngày trước. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá kim loại quý quốc tế tương đương 51,8 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 14,8 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn tròn trơn chỉ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Thị trường bật tăng trở lại, chỉ số VN-Index lấy lại mốc 1.000 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/12, chỉ số VN-Index bật tăng 19,36 điểm (tương ứng 1,97%), đóng cửa ở mốc 1.004,57 điểm.
Thị trường bật tăng trong bối cảnh cổ phiếu tăng giá chiếm đa số với 331 mã cổ phiếu tăng điểm (trong đó có 41 mã tăng kịch trần), 62 cổ phiếu ở mốc tham chiếu và 86 cổ phiếu giảm điểm (trong đó có 2 mã giảm sàn. Tổng giá trị giao dịch đạt 9.569,08 tỷ đồng (403,98 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 4% so với phiên giao dịch trước đó).
Trong rổ VN30 chốt phiên ở mốc 1.007,36 điểm, tăng 19,59 điểm. Giá trị giao dịch đạt 4.025 tỷ đồng, giảm hơn 828 tỷ đồng so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó có 27 mã tăng điểm (4 mã tăng kịch trần), 1 mã tham chiếu và 2 mã giảm điểm.
Sàn HNX chốt phiên ở mốc 203.14 điểm, tăng 4,64 điểm. Giá trị giao dịch đạt 1.107 tỷ đồng (giảm gần 160 tỷ đồng so với phiên trước). Cả sàn HNX có 132 mã tăng điểm (28 mã tăng kịch trần), 37 mã tham chiếu và 51 mã giảm điểm (8 mã giảm kịch sàn).
Liên quan đến nhóm dẫn dắt thị trường. Các cổ phiếu góp phần tăng điểm cho chỉ số lần lượt là HPG, BID, VPB, GVR, VRE, CTG. Nhóm ảnh hưởng giảm điểm tác động đến chỉ số VN-Index là PTB, CSM, CVT, STG, VJC, SAB.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30-VN30F2301 chốt phiên ở 1.001 điểm (tăng 14,6 điểm, tương ứng tăng 1.48%).
Thị trường chứng khoán bật tăng trong bối cảnh báo chí đưa tin Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng Covid-19 vào ngày 8/1/2023. Theo báo SCMP, động thái này là bước cuối cùng của Bắc Kinh trong việc loại bỏ chiến dịch "zero-Covid" kéo dài ba năm và chuyển sang sống chung với dịch.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho rằng, có thể phiên hồi phục hôm nay và các phiên tới chỉ là hồi phục kỹ thuật. Trong khi càng về cuối năm, gần Tết âm lịch thì thị trường chứng khoán sẽ càng ảm đạm và những nhịp giảm sâu sẽ xuất hiện.
ĐBSCL tiếp tục được 'bơm' hơn 8 triệu lít xăng RON 95
Ngày 27/12, Công ty CP TMĐT Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết, đơn vị vừa nhập khẩu 8.100.000 lít xăng RON 95.
Theo đó, cùng ngày chiếc tàu NSH Singapore (mang số hiệu 9343754) chở theo lô hàng xăng RON 95 với số lượng 8.100.000 lít từ Malaysia đã cập cảng Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu (KCN Trà Nóc II, quận Ô Môn TP Cần Thơ).
Tất cả số xăng RON 95 trên sẽ được NHS Petro cung ứng cho 67 cửa hàng và 550 đại lý tại các tỉnh, thành ĐBSCL. NHS Petro hiện đang nắm giữ khoảng 40% thị phần xăng dầu tại ĐBSCL, do đó việc có thêm hơn 8 triệu lít xăng sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng dịp Tết Nguyên Đán đã gần kề.
Để tiếp tục đảm bảo nguồn cung, dự kiến NSH Petro sẽ tiếp tục nhập về thêm khoảng 3.00.000 lít dầu DO từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và 8.000.000 lít dầu DO từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ngoài ra, NHS Petro cho biết, ngay trong tháng 1-2023, chiếc tàu NSH Singapore sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu 8,1 triệu lít xăng RON 95 về Tổng kho để đảm bảo nguồn cung cho ĐBSCL.
Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương ĐBSCL cho thấy, sau thời gian dài bị thiếu hụt nguồn cung, các cảng hàng bán lẻ xăng dầu thua lỗ phải đóng cửa vì chiết khấu thấp, đến nay đã dần đi vào hoạt động ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ cho biết: Ghi nhận đến nay cho thấy, gần 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố đã đi vào hoạt động ổn định trở lại. Nguồn cung xăng dầu được đảm bảo, chiết khấu, hoa hồng cho các đại lý cũng đã tăng gần 1.000 đồng/lít, đảm bảo có lợi nhuận để duy trì hoạt động kinh doanh.
Xuất khẩu nông sản bứt phá kỷ lục với hơn 53,2 tỷ USD
Trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8 %; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%.
Tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 07 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Đáng chú ý, thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được kết quả này, năm 2022, toàn ngành tổ chức quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vươn lên, thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33% (trồng trọt 2,88%; chăn nuôi 5,93%, thủy sản 4,43%, lâm nghiệp 6,13%); giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 ước tăng trên 3%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.
Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông).
Anh Thư