Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/11
Nhiều cây xăng đóng cửa, Thủ tướng Chính phủ ra công điện khẩn; Sẽ hỗ trợ 100% lãi vay cho nông dân tham gia HTX... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 4/11.
Nhiều cây xăng đóng cửa, Thủ tướng Chính phủ ra công điện khẩn
Những ngày qua tại thị trường trong nước và khu vực Hà Nội có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Lý giải nhiều cây xăng tại Hà Nội thiếu hàng, người dân xếp hàng dài để đổ xăng hoặc chỉ được mua với số lượng hạn chế, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, nguyên nhân là do nhu cầu tăng đột biến và dồn về thị trường Hà Nội, trong khi một số cửa hàng diện tích nhỏ, bể chứa bé, cho nên dung tích cũng như dung lượng không đủ để phục vụ.
Từ đó, dẫn đến trong một số thời điểm nhất định, một số cửa hàng bị thiếu hàng cục bộ và phải chờ nhập hàng về. Vì vậy, khi lượng hàng trong bể gần hết, để đảm bảo cho việc người dân nào cũng có thể mua được xăng nên các cửa hàng cũng có bán với tỷ lệ nhất định cho khách mua hàng.
Bà Lan cũng khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ, mua đủ nhu cầu sử dụng và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có những khó khăn nhất định về nguồn cung.
Đối với 493 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thì đang có 20 cửa hàng được phép của Sở Công Thương Hà Nội đang nghỉ để cải tạo sửa chữa. Trong số các cửa hàng đang hoạt động thì 73% lượng xăng dầu do các đơn vị đầu mối cung cấp, bảo đảm nguồn cung và liên tục phục vụ không hạn chế.
Còn lại 27% là nguồn cung từ các thương nhân phân phối, với các cửa hàng này thì nguồn cung nếu có khó khăn thì người dân cũng chia sẻ và sang mua hàng ở các cửa hàng của doanh nghiệp đầu mối để được phục vụ đầy đủ.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1039 (ngày 2/11/2022) của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bộ Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.
Còn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Sẽ hỗ trợ 100% lãi vay cho nông dân tham gia HTX
Sáng 3-11, Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức Hội nghị Gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 nhằm chuyển dịch nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học...
Theo Sở NN-PTNT, trong thời gian tới, TPHCM giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố.
Năm 2021, cơ cấu giá trị sản xuất trong nông nghiệp: trồng trọt 24,7%, chăn nuôi 38,3%, dịch vụ nông nghiệp 7,4%. Giá trị bình quân đạt 498 triệu đồng/ha. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt 12 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,6% so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Để nông nghiệp thành phố phát triển đòi hỏi phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường khuyến nông chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao.
Trong những năm qua, Sở NN-PTNT đã có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất đối với đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; khai thác tổ yến theo quy hoạch; khai thác đánh bắt thủy sản không mang tính lạm sát; thay mới giống đàn bò sữa hiện hữu có năng suất thấp; sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận.
Thành phố hỗ trợ 80% lãi suất cho đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, bò thịt hoặc nuôi trồng thủy sản khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN-PTNT đang phối hợp cùng các sở ngành, quận huyện xây dựng quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022- 2025, gồm: bổ sung, nâng mức hỗ trợ nông dân tham gia và trở thành thành viên HTX theo định hướng khuyến khích nông dân tham gia HTX, dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất; nâng mức hỗ trợ các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố, dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ; dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất.
Giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam giảm 35,3% so với cùng kỳ
Ngày 3/11, tại cuộc họp báo cung cấp các thông tin chính thức về diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022), Ban tổ chức cho biết, năm nay Diễn đàn có chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TPHCM vào ngày 23-11-2022.
Theo báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu hàng đầu GlobalData, quý 3-2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá hơn 1.000 tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới. Tại thị trường Việt Nam, theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity, PE Fund) trên toàn cầu đang trở thành động lực chính thúc đẩy cho thị trường M&A tăng tốc. Trong năm 2021, các quỹ này đã đầu tư hơn 2.000 tỷ USD và còn dự trữ hàng ngàn tỷ USD để sẵn sàng chốt các thương vụ đầu tư mới.
Với thị trường Việt Nam, PE Fund và Venture Capital vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỷ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.
Những dấu hiệu trên cho thấy, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
M&A Vietnam Forum 2022 sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội, cũng như những nút thắt trong M&A tại Việt Nam, làm sao để tiếp tục thu hút dòng tiền từ các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm có lượng tiền dự trữ dồi dào đang tìm nơi rót vốn.
Kinh tế Nga có thể giảm 2,9% trong năm 2022
Số liệu của Cơ quan thống kê Liên bang Nga cũng cho thấy mức sụt giảm trên ít hơn so với các dự báo được đưa ra hồi tháng Tám, lần lượt là 4,2% và 2,7%.
Tuy nhiên, tính theo quý, chính phủ Nga cho rằng nền kinh tế nước này sẽ quay đầu tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2022 hoặc năm 2023.
Cuối tháng 10, Ngân hàng trung ương Nga cũng điều chỉnh báo cáo về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm 3-3,5% trong năm 2022. Kinh tế Nga được dự báo sẽ bắt đầu tăng trưởng từ nửa sau năm 2023, dù đến cuối năm tăng trưởng GDP sẽ vẫn ở mức từ -4% đến -1%. Giai đoạn 2024-2025, ngân hàng này dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 1,5-2,5%/năm.
Hà Lan