Chủ nhật, 24/11/2024 04:22 (GMT+7)
Thứ ba, 19/07/2022 06:58 (GMT+7)

Tính toán thêm phương án điều chỉnh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh giá đầu vào nguyên liệu xăng dầu tăng cao, hàng loạt công cụ điều tiết đã và đang được các cơ quan chức năng thông qua, triển khai đồng thời tiếp tục đề xuất.

Cần có phương án sẵn khi cần thiết 

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 209/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022.

Thông báo nêu rõ, CPI tháng 6 năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12 năm 2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa – chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…. có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ từ đó gây áp lực lớn lên mặt bằng giá. Do đó, công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là. Các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung nắm bắt tình hình, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những giải pháp phù hợp trong điều kiện, dư địa cho phép.

Tính toán thêm phương án điều chỉnh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu - Ảnh 1
Tính toán thêm phương án điều chỉnh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, khuyến khích tiêu dùng tại chỗ đối với một số mặt hàng để giảm chi phí vận chuyển.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước; thực hiện chính sách điều hành lãi suất, điều hành tín dụng hợp lý, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường ngoại tệ…

Đặc biệt, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, cần thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Bên cạnh đó, tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách Nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.

Bộ Tài Chính đề xuất giảm 50% thuế nhập khẩu ưu đãi

Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 (xăng động cơ, không pha chì). Theo đó, thay vì mức đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN từ 20% về 12% như đề xuất trước đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm hẳn xuống còn 10%, tương đương giảm một nửa so với thuế suất đang áp dụng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước (tính theo số liệu quý II/2022). Hiện xăng nhập khẩu chủ yếu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Thế nhưng, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

Thực tế hiện nay, trong kết cấu giá bán lẻ xăng dầu có thuế nhập khẩu và chi phí nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận định mức... Hiện tại, thuế nhập khẩu là 10%; thuế giá trị gia tăng là 10%; thuế bảo vệ môi trường hiện đã giảm về kịch sàn là 1.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu; thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng xăng (RON 95 chịu thuế 10%; E5 là 8%; E10 là 7%), không áp dụng với mặt hàng dầu.

Tính chung, mỗi lít xăng, dầu trong nước đã và đang “cõng” khoảng 28-35% các loại thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tùy thời điểm. Như vậy, với mỗi lít xăng, một phần ba là tiền người tiêu dùng phải trả cho các loại thuế, phí. Vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) sẽ góp phần giảm chi phí cấu thành giá của xăng dầu.

Cần giảm thêm các sắc thuế khác

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế, cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.

“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.

Theo chuyên gia, khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn thì việc giảm thuế phí là giải pháp cần phải tính đến “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang gồng gánh khoảng 34 - 35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán. Nói cho dễ hiểu, với mỗi lít xăng giá khoảng 30.000 đồng, 1/3 trong đó là thuế, phí.

Trong 4 sắc thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng, dầu (gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt), TS Bùi Trinh cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bãi bỏ.

“Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao, thì việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu.”, TS Trinh nói.

PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. “Xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, không phải xa xỉ phẩm nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này không hợp lý. Hơn nữa đây là thời điểm cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi kiệt quệ vì dịch COVID-19”, ông Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cũng cho rằng cơ quan điều hành cần phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng, dầu chứ không chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường. Bởi với mức giá xăng dầu hiện tại, nếu chỉ giảm thêm thuế môi trường sẽ chỉ mang tính thời điểm, khó có thể khiến giá xăng “hạ nhiệt”.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tính toán thêm phương án điều chỉnh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới