Chủ nhật, 24/11/2024 04:48 (GMT+7)
Thứ năm, 21/12/2023 09:07 (GMT+7)

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên

Theo dõi KTMT trên

Công ty Thiên Nam được tỉnh Quảng Ninh cho phép dùng đất đá thải mỏ để làm cát nhân tạo, tuy nhiên đất đá thải mỏ này lại được đưa xuống tàu rồi vận chuyển đi nơi khác làm vật liệu san lấp.

Liên quan đến câu chuyện sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản cho tỉnh Quảng Ninh được phép khai thác đất đá thải mỏ tại 4 bãi thải với tổng khối lượng khoảng 12,43 triệu m3, cụ thể như: Bãi thải của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,7 triệu m3); Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); Bãi thải Suối Lại của TKV (3,5 triệu m3) và Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng công ty Đông Bắc (4,73 triệu m3).

Ngoài ra, 2 bãi thải là Nam Tràng Bạch (giai đoạn 2) và bãi thải của Công ty CP than Cọc Sáu với hơn 21 triệu tấn đang được Quảng Ninh xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để sử dụng làm vật liệu san lấp. Việc sử dụng đất đá thải mỏ gây ô nhiễm môi trường tại một số dự án ở Quảng Ninh đã được một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tại bãi thải của công ty CP than Cọc Sáu vẫn đang trong quá trình xin ý kiến Bộ TN&MT về việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, tại khu vực Bãi thải mỏ khu vực Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) thuộc Mỏ than Cọc Sáu xuất hiện tình trạng một số xe ô tô vận chuyển đất đá thải mỏ rồi tập kết ra khu vực bờ kè biển thuộc xã Cẩm Hải (TP.Cẩm Phả) sau đó đổ xuống tàu rồi vận chuyển đi san lấp mặt bằng ở một dự án ở Thị xã Quảng Yên.

Đáng nói, việc bốc xúc vận chuyển đất đá thải mỏ này cần phải được các cơ quan chức năng cấp phép. Trong quá trình các xe chở đất đá thải mỏ lưu thông, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Bài viết phân tích về thực trạng của doanh nghiệp trên cơ sở tham chiếu các quy định pháp luật hiện hành về khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường đã được cấp cho doanh nghiệp;

Đồng thời những vấn đề cần hoàn thiện để phù hợp với thực tế khai thác tài nguyên khoáng sản, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP.Cẩm Phả có biện pháp giám sát, xử lý tránh gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Sau một thời gian ghi nhận, Nhóm Phóng viên đã nắm được quy trình vận chuyển đất đá thải mỏ bằng đường thủy của Công ty Cổ phần Thiên Nam (Cty Thiên Nam, trụ sở tại thành phố Cẩm Phả). Trong quá trình vận chuyển bằng xe tải trên đường, các xe này không được che chắn cẩn thận, rơi vãi ra đường gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Theo đó, sau khi đất đá thải mỏ được các xe vận chuyển từ điểm đổ thải, được các xe vận chuyển đến điểm tập kết ven biển thuộc xã Cẩm Hải, TP.Cẩm Phả. Từ đây, đất đá thải mỏ được đưa xuống tàu biển, sau đó các tàu này vòng về một bãi VLXD nằm ven sông Uông, thuộc thị xã Quảng Yên. Từ đây, đất đá thải mỏ sẽ được san tải xuống các xe ben để chở đi san lấp tại khu công nghiệp.

Dưới đây là những hình ảnh nhóm Phóng viên ghi nhận lại sau quá trình tác nghiệp:

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 1

Từng đoàn xe chở đất đá thải mỏ của Cty Thiên Nam chạy ra bến Cẩm Hải (xã Cẩm Hải, TP.Cẩm Phả) Ảnh cắt từ clip.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 2

Ngoài sản xuất cát nhân tạo - ngành nghề chính của Cty Thiên Nam, nhiều hoạt động cho thấy Cty Thiên Nam đang sử dụng đất đá thải mỏ chưa sát với mục đích. Đó là cấp cho các KCN làm vật liệu san lấp.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 3

Nhóm PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sau nhiều ngày khảo sát, tìm hiểu từ hiện trường cho thấy, Công ty Thiên Nam đang có dấu hiệu đổ đất đá thải mỏ xuống thuyền tại bến Cẩm Hải.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 4

Một lượng lớn đất đá thải mỏ của Cty Thiên Nam chờ đổ xuống tàu tại bến Cẩm Hải. Ảnh cắt từ clip.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 5

Cận cảnh một xe tải của Cty Thiên Nam đang đổ thẳng đất đá thải mỏ xuống tàu tại bến Cẩm Hải. Ảnh cắt từ clip.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 6
Đây đều là đất đá thải mỏ được Công ty Thiên Nam lấy từ Bãi thải mỏ khu vực Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả), thuộc sở hữu của Cty than Cọc Sáu.
Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 7

Trong quá trình ghi nhận thực tế, các chủ tàu vận chuyển cho biết, giá đất đá thải mỏ khi xuống thuyền doanh nghiệp này bán với giá 80 nghìn đồng/m3.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 8

Điểm đến của những chiếc thuyền này là bến Thành Minh, nằm ven sông Uông, thuộc Công ty bê tông Đông Mai, địa chỉ tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 9

Sau khi cập bến Thành Minh, đất đá thải mỏ sẽ được múc từ thuyền trở lại xe tải của đơn vị vận chuyển là Công ty Đông Mai.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 10

Hàng dài xe tải của Công ty Đông Mai chờ chuyển hàng từ trong bãi Thành Minh. 

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 11

PV đã đi theo những chiếc xe này, điểm đến cuối cùng của lượng đất đá thải mỏ này là Khu công nghiệp Amata Sông Khoai cách đó chừng hơn 1km. Ảnh cắt từ clip.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 12

Theo thông tin tìm hiểu được từ một chủ tàu tiết lộ thì, giá của đất đá thải mỏ khi về tới Khu công nghiệp Amata Sông Khoai cấp vào công trình là giá gần 200 nghìn đồng/m3.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 13

Ghi nhận của PV, một phần đất san lấp nền của Khu công nghiệp Amata Sông Khoai được san lấp bằng đất đá thải mỏ do Công ty Thiên Nam cung cấp.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 14
Nhiều chuyên gia môi trường đã từng lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy về môi trường khi sử dụng đất đá thải mỏ vào các dự án lấn biển, dự án khu đô thị.
Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 15

Theo quan sát, đất đá thải mỏ san lấp dự án Khu công nghiệp Amata Sông Khoai vẫn còn chứa than có thể quan sát bằng mắt thường.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 16

Mặt bằng khu công nghiệp sau đó được phủ lên trên một lớp đất thịt dày trước khi tiến hành lu nền.

Để có thêm thông tin khách quan, PVđã liên hệ ông Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty Thiên Nam để tìm hiểu thêm thông tin về việc vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả đi Quảng Yên. Qua điện thoại, ông Kiên cho biết mình rất bận, hiện tại chưa thể bố trí thời gian làm việc. Khi đề cập tới thông tin vận chuyển đất đá thải mỏ như ghi nhận bên trên, ông Kiên đã cúp máy. 

Liên quan tới vụ việc, nhóm Phóng viên cũng đã đặt lịch làm việc với UBND TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh). Theo đó, Bộ phận một cửa của UBND TP Cẩm Phả đã tiếp nhận Giấy giới thiệu và Nội dung làm việc. Một nữ cán bộ tại đây cho biết, sẽ trình xin ý kiến lãnh đạo thành phố. Khi lãnh đạo thành phố phân công phòng, ban hay ai có trách nhiệm làm việc sẽ liên hệ lại, thời gian khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, đến nay, sau gần một tháng, UBND TP.Cẩm Phả vẫn chưa hồi âm hay liên hệ làm việc lại với PV theo quy định.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề sử dụng đất đá thải mỏ trong việc san lấp mặt bằng ở các công trình tại Quảng Ninh, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép một số trường hợp dùng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, Bộ quy định rất cụ thể, xem xét kỹ từng trường hợp.

"Không thể phủ nhận giá trị của đất đá thải mỏ, đặc biệt là trong công tác san lấp mặt bằng, Nếu bỏ đất đá thải mỏ đi hoặc để không thì rất lãng phí. Tuy nhiên, việc Quảng Ninh dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, lấn biển phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, không phải ai đổ cũng được và đổ chỗ nào cũng được. Có thể coi đất đá thải mỏ là một dạng tài nguyên, do đó cần được theo dõi, giám sát, quản lý một cách chặt chẽ.

Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên - Ảnh 17
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Trước khi sử dụng đất đá thải mỏ cần phân tích xem có những thành phần nào ở trong đó? Nó có chứa những thành phần gây ô nhiễm môi trường hay không? Nguồn gốc đất đá thải mỏ ở đâu? Nó được sản sinh ra trong giai đoạn nào của quá trình khai thác? Có thể sử dụng ở địa điểm nào, không được sử dụng ở địa điểm nào? Phương thức vận chuyển ra sao, phải tuân thủ những điều kiện gì? Tất cả phải rất cụ thể", ông Tùng đặt vấn đề.

Từ những vấn đề trên, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương là thực hiện khảo sát, đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp, thậm chí là lập hội đồng khoa học nếu cần, để chứng minh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là an toàn và hiệu quả. Tất cả số liệu, cơ sở khoa học phải được công khai để người dân nắm bắt được.

Trong quá trình thực hiện tuyến bài này, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tập hợp ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học để gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hi vọng rằng, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ gợi mở nhiều vấn đề trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sửa đổi để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lưu ý, trước khi cho phép sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cần phải tính hết sức kỹ lưỡng việc giám sát/chế tài thế nào để tránh thất thoát, lợi dụng, gây ô nhiễm (giám sát tại mỏ, giám sát quãng đường vận chuyển, giám sát nơi đổ). Hiện nay có nhiều biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thực hiện công tác giám sát, quản lý. Nếu công khai các kết quả giám sát thì sẽ rất khó để làm bậy.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, việc người dân và cử tri tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự lo lắng là đúng. Điều này thể hiện quyền giám sát của người dân đối với những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Nhóm PVTS

Bạn đang đọc bài viết Toàn cảnh vụ vận chuyển đất đá thải mỏ từ Cẩm Phả về Quảng Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới