Chủ nhật, 24/11/2024 07:51 (GMT+7)
Thứ hai, 20/06/2022 15:55 (GMT+7)

TP. HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Trong quá trình phát triển, TP. HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như vấn đề rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đại học Quốc gia TP. HCM vừa phối hợp với Đại học Dublin (Ireland) tổ chức Hội thảo "Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với sức khỏe cộng đồng tại TP. HCM”. Hội thảo đã nhận được đông đảo những ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia về tác nhân gây ô nhiễm không khí và các giải pháp để hạn chế tình trạng này tại TP. HCM.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày 7 tham luận khoa học và được chia thành 03 nhóm chính: Nhóm thứ nhất các tham luận ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự báo, cảnh báo sớm ô nhiễm không khí (03 tham luận); Nhóm thứ hai các tham luận nghiên cứu nguồn gốc ô nhiễm không khí, nguồn gốc phát thải khí nhà kính và tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe (02 tham luận); và Nhóm thứ ba các tham luận về chính sách quản lý môi trường và ứng phó BĐKH (02 tham luận). nhằm chỉ ra nguồn gốc ô nhiễm không khí, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc đo lường mức độ ô nhiễm và kiến nghị các chính sách về quản lý môi trường.

TP. HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối tại TP. HCM

Bụi mịn “sát thủ thầm lặng”.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, TP. HCM đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến môi trường như rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Trong đó, tình trạng ô nhiễm không khí và hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tăng cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe. “Tất cả vấn đề đó buộc chúng ta phải nhanh chóng có giải pháp để kiểm soát hàm lượng chất gây ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt” – ông Tâm nhấn mạnh.

Đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP. HCM, cho rằng, ô nhiễm không khí đặc biệt với NO2 và PM2.5 sẽ làm tăng sự lây lan của dịch COVID-19, nguy cơ nhiễm bệnh cũng như khả năng tử vong cao do dịch bệnh này gây ra. Các triệu chứng của bệnh nhân hậu COVID-19 sẽ trở nên nặng hơn do ô nhiễm không khí tác động.

“Do hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể, cộng hưởng với đại dịch COVID-19, bệnh nhân có tiền sử về hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ phải đối mặt với nguy cơ bệnh tình trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong” - bà Lan đánh giá.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP. HCM cho biết, hậu quả mạn tính của ô nhiễm không khí gây tăng tần suất hen xuyễn và COPD, suy giảm chức năng hô hấp, ung thư phổi và kéo theo các bệnh về tim mạch.

TP. HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường - Ảnh 2
Các loại khí độc hại do xe máy phát thải (màu đỏ) chiếm tỷ lệ vượt trội so với các phương tiện đường bộ khác. (Nguồn PGS.TS Hồ Quốc Bằng)

Năm 2017, lần đầu tiên ô nhiễm không khí được đánh giá là gây tử vong hàng đầu trên thế giới, vượt qua cả thuốc lá, trong đó 92% xảy ra ở các nước trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam. Trong đó, tại TP. HCM, theo thống kế có hơn 1.000 người chết mỗi năm là do ô nhiễm không khí, các nguyên nhân gây tử vong có liên quan ô nhiễm không khí là là nhồi máu cơ tim, bệnh lý hô hấp và ung thư phổi… Bà bày tỏ sự lo lắng đối với vấn đề sức khỏe của trẻ em sinh trưởng trong các đô thị vốn chịu ô nhiễm nặng nề.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP. HCM, cho biết: Trong năm 2021-2022, chất lượng không khí tại TP. HCM được cải thiện do các hoạt động sản xuất và giao thông bị đình trệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động này gia tăng trở lại khiến vấn đề ô nhiễm không khí tăng cao.

Từ kết quả nghiên cứu cùng các cộng sự của mình vào năm 2019, PGS.TS Hồ Quốc Bằng chỉ ra rằng, hoạt động công nghiệp đóng góp lượng phát thải PM2.5 cao nhất, khoảng 39,7% tổng lượng PM2.5 tại TP. HCM. Đây là “sát thủ thầm lặng” gây ra các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư...

Xây dựng các trạm quan trắc chất lượng không khí

Tại hội thảo, PGS.TS. Rajnish Rakhola, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Phát triển, Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland, Đại học Dublin, Ireland và TS. Quân Lê - Chuyên gia AI tại CeADAR, University College Dublin đã trình bày các nghiên cứu về Dự án ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR. Dự án này là sự hợp tác Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland và Đại học Quốc gia TP. HCM.

Các mô hình được đề xuất trong dự án này có khả năng dự báo bụi mịn không khí PM2.5 theo giờ và trong 24 giờ, có ý nghĩa lớn trong việc đưa ra cảnh báo sớm về các giai đoạn ô nhiễm không khí nguy hiểm đối với người dân TP. HCM.

TP. HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường - Ảnh 3
Xe chạy điện sẽ góp phần cải thiện ô nhiễm không khí tại TP. HCM

Dự án được triển khai từ năm 2020 với quy mô xây dựng 6 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động tại TP. HCM. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu không khí, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích tác động của ô nhiễm không khí. Sau đó, dự án sẽ phát triển các mô hình học để dự đoán mức độ của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ô nhiễm không khí trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại TP. HCM.

Tất cả kết quả về thông tin ô nhiễm không khí này đưa đến với người dân thông qua 1 App trên điện thoại Healthy AIR. Ứng dụng Healthy AIR có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như: O3, NO2, SO2, PM2.5, CO…; đồng thời đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như hen suyễn, viêm xoang, hô hấp… Ứng dụng chạy được trên hai nền tảng IOS và Android, hoàn toàn miễn phí đối với người sử dụng.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng - đồng Giám đốc Dự án cho biết: Khi cài đặt ứng dụng Healthy AIR, người dân có thể biết được chất lượng không khí tại thời điểm hiện tại ở một khu vực và được dự báo chất lượng không khí trong thời gian 1 - 2 ngày tới như thế nào, từ đó có có kế hoạch bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí. Đặc biệt, ứng dụng sẽ gửi tin nhắn trực tiếp đến người dùng khi ô nhiễm không khí tăng cao, và đưa ra các khuyến nghị thích hợp tùy theo mức độ ô nhiễm như đeo khẩu trang, không ra đường hay tập thể dục ngoài trời, cần xịt thêm thuốc hen suyễn (đối với người mắc bệnh) trong những đợt ô nhiễm cấp để tránh nhập viện.

Phương tiện giao thông chiếm hơn 1/3 nguồn phát thải bụi mịn

PGS. TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và BĐKH, Phó Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia TP. HCM cũng khẳng định: Hiện nay, lượng bụi mịn PM2.5 của TP. HCM cao gấp 4 - 5 lần tiêu chuẩn cho phép của WHO. Trong đó, tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố.

Còn tổng phát thải khí nhà kính năm 20219 của TP. HCM là trên 58 triệu tấn Co2/năm, trong đó sản xuất công nghiệp 30%, giao thông vận tải 20% (riêng xe máy chiếm trên 80%). Theo ông Bằng, TP. HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ôtô, điều đáng nói trong số này có nhiều phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn khi lưu hành.

“TP. HCM cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng ô nhiễm không khí từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2030 theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Ngoài ra, TP. HCM nên kiểm soát ngay khí thải xe gắn máy bằng cách loại bỏ những xe gắn máy cũ nát. Thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe gắn máy, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng”, PGS. TS Hồ Quốc Bằng cho biết.

Đặt trọng tâm việc giải quyết ô nhiễm không khí từ các chính sách quản lý, TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia TP. HCM, đưa ra nhiều kiến nghị thay đổi một số quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, TS. Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng cần phải xác định quy chuẩn kỹ thuật về khí thải riêng cho Việt Nam, bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường phát thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu.

“Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn phát thải khí từ nguồn này nằm ngoài danh mục kiểm soát hiện hành. Vì vậy thành phố cần phải có biện pháp giải quyết cụ thể vấn đề này” - TS. Diệp lý giải

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới