Chủ nhật, 24/11/2024 05:55 (GMT+7)
Thứ tư, 08/06/2022 15:15 (GMT+7)

TP. HCM đề xuất phương án bảo tồn cầu sắt Bình Lợi 120 tuổi

Theo dõi KTMT trên

Nhằm gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử công trình cầu sắt Bình Lợi, Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải về việc đề xuất phương án bảo tồn công trình này.

Cầu đường sắt Bình Lợi (còn gọi tắt là cầu sắt Bình Lợi) là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên. Cầu được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành vào thời điểm năm 1902 (dưới thời Pháp thuộc).

Công trình này có tổng chiều dài 276 m với 6 nhịp, có kết cấu vòm thép, mặt gỗ và đường ray xe lửa chạy qua. Công trình được thiết kế bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ TP. Thủ Đức qua quận Bình Thạnh; có một tháp canh, trên vách hướng ra bờ sông có dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948".

TP. HCM đề xuất phương án bảo tồn cầu sắt Bình Lợi 120 tuổi - Ảnh 1
TP. HCM đang đề xuất phương án bảo tồn cầu sắt Bình Lợi.

Sau thời gian hơn 100 năm khai thác và đi vào hoạt động, cầu đường sắt Bình Lợi bị xuống cấp nghiêm trọng; chiều cao thông thuyền trở nên hạn chế, làm ảnh hưởng đến tàu thuyền đi qua.

Nhận thấy được tình trạng trên, tháng 4/2015, cầu đường sắt Bình Lợi được xây dựng và cải tạo lại, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương). Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu, khai thác từ năm 2019. Các nhịp cầu sắt cũ được tháo dỡ, chỉ hai nhịp được giữ lại.

Để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử công trình cầu đường sắt Bình Lợi, Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải về việc đề xuất phương án bảo tồn công trình này. Theo đề xuất của Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM, có hai vấn đề lớn cần được chú tâm: thứ nhất là vấn đề về lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; thứ hai là việc tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ.

Theo Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM, thực tế cầu Bình Lợi đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích vì chưa có đơn đề nghị xếp hạng. Theo quy định, điều kiện tiên quyết cho việc xếp hạng di tích là phải có đơn đề nghị xếp hạng di tích của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích (theo Điều 5, Điều 12 Thông tư 09 ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

Hiện nay cần xác định, đại diện cầu đường sắt Bình Lợi là Cục Đường sắt Việt Nam hoặc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trong trường hợp sau khi Bộ Giao thông Vận tải giao về cho UBND TP. HCM, thì phải có đơn đề nghị của đơn vị được UBND TP. HCM giao quản lý di tích.

 “Cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của lịch sử Sài Gòn – TP. HCM và của ngành đường sắt Việt Nam. Hiện cầu đã có đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định hiện hành”, Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM đánh giá.

TP. HCM đề xuất phương án bảo tồn cầu sắt Bình Lợi 120 tuổi - Ảnh 2
Cầu đường sắt Bình Lợi có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của lịch sử Sài Gòn – TP. HCM.

Trong văn bản số 2219 ngày 3/6, Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM nêu rõ, Sở sẽ lập hồ sơ xếp hạng di tích công trình cầu đường sắt Bình Lợi ngay khi có đơn đề nghị xếp hạng di tích của tổ chức được giao quản lý trực tiếp công trình.

Liên quan đến vấn đề tu bổ và phát huy giá trị công trình cầu đường sắt Bình Lợi, Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM đã đưa ra hai phương án thực hiện.

Đối với phương án 1, TP. HCM sẽ lên kế hoạch tu bổ, phục hồi hai nhịp cầu (vệ sinh cấu kiện, sơn chống gỉ, sơn phủ bề mặt, thay các thanh gối đường ray...) và một tháp canh với tổng kinh phí 12,7 tỷ đồng. Việc này giúp công trình được thi công tu bổ kịp thời, nhưng vướng phải vấn đề chưa phù hợp với một số quy định hiện hành về quản lý và sử dụng tài sản công (công trình chưa được bàn giao về thành phố).

Bên cạnh đó, phương án này cũng không thuận lợi cho việc thi công làm tăng kinh phí, không có đường dẫn, không có công trình phụ trợ… sẽ không bảo vệ được công trình và không phát huy được hết giá trị công trình.

Phương án 2 mà Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM đề xuất là bảo tồn tổng thể cầu sau khi được bàn giao và xác định ranh đất. Phương án này hoàn toàn phù hợp với những quy định hiện hành, khắc phục được nhiều hạn chế còn sót lại của phương án 1 (có thể xây dựng đường dẫn, công trình phụ trợ, dự trù kinh phí...). Đặc biệt, sau khi phục hồi, công trình sẽ phát huy được hết giá trị sẵn có. Tuy nhiên, phương án này vẫn cần nhiều thời gian và kinh phí hơn so với phương án trước.

Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM đề nghị Sở Giao thông Vận tải sớm tham mưu UBND TP. HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm bàn giao công trình cầu đường sắt Bình lợi cũ về thành phố quản lý. Sau khi công trình được bàn giao, Sở sẽ tham mưu đề xuất phương án bảo tồn tổng thể công trình theo đúng quy định hiện hành (phương án 2). Về đơn vị quản lý, Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM đề nghị xem xét giao cho UBND TP. Thủ Đức quản lý để thuận lợi trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết TP. HCM đề xuất phương án bảo tồn cầu sắt Bình Lợi 120 tuổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới