TP.HCM: Ba đô thị mới hứa hẹn một tương lai phồn vinh
TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, kết hợp không gian sinh thái, với 5 phân vùng đô thị nhằm đảm bảo phát triển bền vững và hài hòa.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM gửi Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố về chương trình phát triển đô thị đến năm 2040, TP.HCM dự kiến thành lập thêm ba đô thị mới gồm Thành phố phía Bắc, Thành phố phía Tây và Thành phố phía Nam. Việc mở rộng quy hoạch này nằm trong dự thảo Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Hiện các dự án này đang chờ thẩm định và phê duyệt từ các cơ quan chức năng.
Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, kết hợp với không gian sinh thái để chia thành năm phân vùng đô thị chính: Trung tâm, phía Đông (TP Thủ Đức), phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Mỗi phân vùng sẽ đảm nhận các chức năng riêng biệt, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển toàn diện, bền vững.
Đô thị phía Bắc
Phân vùng đô thị phía Bắc nằm ở phía Bắc Quốc lộ 1 bao gồm Quận 12, Hóc Môn và Củ Chi. Khu vực này sẽ là trung tâm phát triển dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ sinh thái cùng với nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, đô thị phía Bắc cũng sẽ đẩy mạnh phát triển giáo dục, công nghiệp và du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Theo dự báo, quy mô dân số của đô thị phía Bắc có thể đạt 4,5 triệu người vào năm 2040. Trung tâm chính của khu vực này sẽ nằm tại khu vực Bắc Hóc Môn và Nam Củ Chi, giúp kết nối thuận tiện với các tuyến giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Quốc lộ 22 và cao tốc Mộc Bài - TP.HCM. Các khu vực khác như huyện Củ Chi, khu đô thị ven sông Sài Gòn và khu vực Trung An cũng sẽ được phát triển thành những trung tâm phụ trợ nhằm đa dạng hóa các chức năng đô thị.
Đô thị phía Tây
Phân vùng đô thị phía Tây kéo dài từ quận Bình Tân đến huyện Bình Chánh, phía Đông Quốc lộ 1 và tiếp giáp với sông Cần Giuộc. Đây là khu vực trọng điểm phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ y sinh học cùng với các trung tâm y tế và giáo dục cấp vùng nhằm thu hút lực lượng lao động và chuyên gia đến làm việc và sinh sống.
Dân số của đô thị phía Tây được dự báo sẽ đạt khoảng 2,4 triệu người vào năm 2040. Trung tâm chính của khu vực sẽ nằm tại Tân Kiên, nơi tập trung các hoạt động liên quan đến y tế và giáo dục. Các khu trung tâm khác sẽ phát triển dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị đại học Hưng Long và kết nối với hệ thống giao thông công cộng hiện đại giúp gia tăng hiệu quả giao thông và thúc đẩy phát triển khu vực.
Đô thị phía Nam
Phân vùng đô thị phía Nam bao gồm các khu vực như Quận 8, Quận 7, Nhà Bè và Cần Giờ nằm ở phía Nam TP.HCM và dọc theo bờ sông Cần Giuộc. Đây sẽ là khu vực chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao, kinh tế tri thức, logistics và du lịch sinh thái, văn hóa - nghệ thuật. Ngoài ra, đô thị phía Nam cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp biển tận dụng lợi thế địa lý gần cảng biển và cửa ngõ quốc tế.
Dự báo đến năm 2040, dân số của đô thị phía Nam sẽ đạt khoảng 3,1 triệu người. Trung tâm chính sẽ mở rộng từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng về phía Nam, kết nối với khu đô thị Phước Kiển ở huyện Nhà Bè. Các khu trung tâm phụ trợ khác sẽ được phát triển dọc theo sông Nhà Bè, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ và khu đô thị Cần Thạnh, giúp hình thành một hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho cư dân trong khu vực.
Việc phát triển các đô thị mới này không chỉ giải quyết nhu cầu dân số gia tăng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM trong tương lai, góp phần vào mục tiêu xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục của khu vực và cả nước.
Uy Đạt