Chủ nhật, 24/11/2024 05:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/08/2022 06:35 (GMT+7)

TP.HCM: Cần tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn để tăng tốc phát triển

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM đang xây dựng cơ chế chính sách đặc thù mới để đề xuất trung ương thay thế Nghị quyết 54, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trao quyền để thực hiện

Nhận xét cơ chế đặc thù mà Trung ương dành cho TP. HCM, nhiều chuyên gia cho rằng Nghị quyết số 54 trao một số cơ chế đặc thù cho TP. HCM giúp tạo động lực mới, tích cực để một đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước tăng tốc phát triển. Song, tác động thực sự của cơ chế đặc thù chưa được như mong muốn.

TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 chưa “đủ liều” cho một thành phố trung tâm kinh tế của cả nước và có một số cơ chế nói là cơ chế đặc thù cho TP. HCM nhưng trên thực tế cũng áp dụng với các địa phương khác nên không có sự đặc biệt đặc trưng. Và sự phát triển của TP. HCM hoàn toàn chưa tương xứng với những gì TP. HCM đóng góp cho cả nước.

“Lẽ tự nhiên, một nơi gánh phần lớn ngân sách của cả nước phải được đầu tư một cách thỏa đáng để trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế cả nước”, TS Phan Công Khanh khẳng định chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 chưa tạo được động lực phát triển mạnh mẽ cho TP. HCM.

Qua đó, TS Phan Công Khanh gợi ý cần có một nghị quyết mở để khi thực tế đặt ra những vấn đề buộc phải xử lý thì Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ có thể trao quyền cho TP. HCM để Thành phố kịp thời giải quyết vướng mắc.

TP.HCM: Cần tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn để tăng tốc phát triển - Ảnh 1
TP. HCM cần phải có cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn để phát triển bền vững trong thời gian tới

Trong khi đó, TS Nguyễn Hoàng Phương, Học viện Chính trị Khu vực II, cho rằng, cần thiết có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế chính sách mà TP. HCM cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. HCM, tập trung 3 nội dung đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TP. Thủ Đức. Trong đó tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TP. HCM cho TP. Thủ Đức.

Đồng thời, nghị quyết mới cần kiến nghị việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP. HCM như quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, kinh tế, đô thị môi trường, văn hóa xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước… Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải cụ thể, rõ ràng, để người được phân cấp, ủy quyền phải thật sự có quyền hạn mới thực hiện trách nhiệm được. Không thể chỉ giao nửa quyền, dẫn đến tình trạng “đi cà nhắc” trong các quyết định.

Về thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, TS Nguyễn Hoàng Phương gợi ý, nghị quyết mới cần cho phép TP. HCM được quy định một số khoản thu, chi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố. Được đặt ra các khoản phí, lệ phí, thuế đặc thù như đánh thuế căn nhà thứ 2, nền đất bỏ hoang, hạn chế đầu tư bất động sản…

Còn theo TS Dương Huy Đức, Tạp chí Cộng sản nhận định, nghị quyết mới cần xác định rõ ràng, minh bạch hơn nữa trong cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho TP. HCM; đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chí cụ thể và sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù mà thực hiện dài hạn nhằm có thời gian triển khai để thấy được hiệu quả.

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nhà nước

Bên cạnh những kiến nghị trao quyền tự quyết thì nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng TP. HCM cần phân tích và đề xuất mạnh mẽ về tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại, các cơ chế để tăng nguồn thu phục vụ đầu tư và tái đầu tư.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, TP. HCM cần đề xuất cơ chế về những khoản thu ngân sách nhà nước được giữ lại. Cụ thể, PGS.TS Phạm Tiến Đạt gợi ý nội dung đề xuất cho phép TP. HCM được thí điểm đánh thuế tài sản đối với bất động sản; thí điểm thu thuế giá trị thặng dư đối với đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, đường sắt đô thị); thí điểm thực hiện một loạt các dịch vụ cá cược casino; thí điểm tư nhân đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhà nước thuê lại hoặc mua lại. Cùng với đó, cho phép TP. HCM thực hiện để lại phần thu đối với các hoạt động xuyên biên giới và các hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số... Nếu làm được những điều này thì ngân sách TP. HCM sẽ rất lớn, đảm bảo nguồn lực kinh tế cho Thành phố phát triển.

TP.HCM: Cần tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn để tăng tốc phát triển - Ảnh 2
Cán bộ công chức tại TP. HCM được đề xuất được tăng thêm thu nhập theo mức đô công việc

Cùng chung quan điểm, TS Phan Công Khanh góp ý TP. HCM cần kiến nghị trung ương xem xét nguồn ngân sách để lại cho thành phố. Bởi lẽ, đầu tư cho TP. HCM còn có ý nghĩa là đầu tư cho miền Nam và cả nước. "Một nơi gánh phần lớn ngân sách của cả nước phải được đầu tư thỏa đáng để trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế cả nước", TS Phan Công Khanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP. HCM, thẳng thắn cho rằng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố không nên là 21% mà ít nhất phải bằng Hà Nội là 32%. Thậm chí, phần thu vượt cần để lại cho TP. HCM đầu tư hạ tầng. Đồng thời, bà Phạm Phương Thảo còn đề xuất thực hiện mạnh hơn các giải pháp thu hồi mặt bằng nhà đất do bộ, ngành trung ương quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả.

Cho rằng vấn đề tài chính - ngân sách là một trong những vấn đề rất quan trọng để TP. HCM thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù. TS Trương Đức Thuận, Tạp chí Cộng sản góp ý, trong nghị quyết mới, TP. HCM cần tiếp tục kiến nghị tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP. HCM được giữ ổn định tối thiểu là 21% trong 5-10 năm. Bởi đây là cơ sở để TP. HCM có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, cho cơ chế HĐND TP. HCM được quyền quy định mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố. HĐND TP. HCM được quyền quyết định bố trí ngân sách của TP. HCM để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hiệu quả công việc, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ.

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP. HCM cho rằng, chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. Cụ thể, chính sách này không áp dụng cho ngành dọc như TAND, VKSND, thi hành án; tỉ lệ tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức trẻ còn thấp.

"Chuyên viên chính bậc I có thu nhập một tháng gấp đôi cán bộ trẻ - chênh lệch quá lớn, không tạo động lực cho người trẻ phát huy", ông Lê Minh Đức dẫn chứng, đồng thời đề nghị cần có chế độ riêng về tăng thu nhập cho cán bộ, công chức trẻ có hệ số lương dưới 3.0.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Cần tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn để tăng tốc phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới