TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ công trình chống sạt lở cho người dân
UBND TP.HCM yêu cầu các huyện, thành phố trực thuộc khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các công trình chống sạt lở để sớm ổn định đời sống người dân trong khu vực.
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn. Theo đó, UBND TPHCM giao Sở NN&PTNT tổng hợp, rà soát, kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, để có đầy đủ cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn.
Hiện tại, trên địa bàn TP.Thủ Đức, có 13 trường hợp nhà xây dựng hoàn toàn trên kênh, rạch và sông và 63 trường hợp sử dụng nhà, đất có nguồn gốc hợp lệ, hợp pháp. UBND TP.HCM giao Sở TN&MT hướng dẫn UBND TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời, bố trí dân cư phòng tránh thiên tai các hộ bị sạt lở.
Về xây dựng công trình chống sạt lở cho 667 hộ thuộc TP.Thủ Đức, quận Bình Thạnh và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè giao UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện như Bình Thạnh, Cần Giờ, Nhà Bè đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các công trình chống sạt lở để sớm ổn định đời sống người dân trong khu vực.
Về thực hiện di dời 782 hộ thuộc TP.Thủ Đức, quận Bình Thạnh và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè giao UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện như Bình Thạnh, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè thường xuyên rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở.
Riêng UBND huyện Cần Giờ khẩn trương di dời các hộ dân phòng tránh bão, phòng tránh thiên tai. UBND huyện Nhà Bè khẩn trương di dời các hộ dân chưa đảm bảo an toàn.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng châu Á (ADB) cho thấy, khí hậu và thủy động lực của TP.HCM đang ở mức cực đoan và được dự báo sẽ phức tạp hơn trước năm 2050. Bão, nước dâng trong bão và ngập do triều cường được dự báo sẽ trầm trọng hơn.
Nhiệt độ mặt nước dự báo sẽ tăng lên ở biển Đông, làm gia tăng cường độ bão xảy ra gần ở TP.HCM hơn. Các trận bão nhiệt đới dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn ở phía Nam Việt Nam, vì vậy có xác suất ảnh hưởng đến TP.HCM nhiều hơn.
Theo Th.S Bùi Chí Nam - Phân viện khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), tác động của biến đổi khí hậu hiện tại ảnh hưởng nặng nhất đến huyện Bình Chánh, Củ Chi quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp và quận 12.
Tuy nhiên một số quận có khả năng thích ứng cao nên chỉ có Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức và quận 12 dễ tổn thương nhất do thiên tai.
Th.S Lê Ánh Ngọc - Phân viện khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - đưa ra các kịch bản biến đổi khí hậu trong những năm tới tại TP.HCM. Hầu hết các kịch bản đều cho thấy nhiệt độ, lượng mưa đều tăng nhanh trong các năm tới, từ khu Tây Bắc xuống Đông Nam của thành phố.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với tiên đoán trước đây, với những tác động tiềm tàng nghiêm trọng lên TP.HCM. Nhưng vẫn còn thời gian để xây dựng những giải pháp phù hợp và thích nghi. Việc lập kế hoạch thích nghi chi tiết là chìa khóa cho một TPHCM có khả năng chống chọi cao. Tất cả các ngành và các địa bàn sẽ phải xem xét tác động của biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển của mình, sẽ phải cần những kế hoạch hướng dẫn và thích nghi.
Cần phải có sự cân bằng trong các hành động thích nghi với những biện pháp công trình được hỗ trợ bằng sự phục hồi hệ thống tự nhiên, các chương trình, chính sách kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị lồng ghép để tạo ra khuôn khổ “một địa bàn, một kế hoạch” cho tất cả sự phát triển trong thành phố. Nhiều biện pháp này đã và đang được thực hiện ở TP.HCM, nhưng sẽ cần phải được điều chỉnh, tăng cường và áp dụng một cách có điều phối trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ngọc Minh