TP.HCM: Vận động giảm giá thuê mặt bằng kích cầu kinh tế
Sở Công Thương TP.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan vận động chủ mặt bằng giảm giá thuê nhằm từng bước khôi phục hoạt động thương mại bán lẻ và hỗ trợ kích cầu kinh tế.
Sở Công Thương TP.HCM vừa có kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Sở đặt mục tiêu khôi phục tối đa các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Đồng thời, khắc phục, hạn chế các gián đoạn (đứt gãy) chuỗi cung ứng từ sản xuất, lưu thông, phân phối đến tiêu dùng; đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đầy đủ, kịp thời với giá hợp lý các loại hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tay người tiêu dùng.
Mặt khác, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh xuất khẩu; đặc biệt là các ngành kinh tế động lực (logistics, thương mại điện tử…), công nghệ cao và thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Công Thương TP.HCM triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, phối hợp với ngành y tế, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức hỗ trợ tiêm vaccine đầy đủ cho người lao động (đặc biệt là người lao động quay lại làm việc từ các địa phương khác); tiêm liều vaccine bổ sung và nhắc lại tại địa bàn nơi doanh nghiệp trú đóng.
Đồng thời, hỗ trợ khôi phục sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng và đảm bảo lưu thông hàng hóa như: Phối hợp với Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025.
Cùng với đó, tham mưu UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo và doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, duy trì chế độ giao ban định kỳ với các Hiệp hội ngành nghề để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Xây dựng, thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đảm bảo vùng, nguồn nguyên liệu cho sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất và kết nối cung - cầu công nghiệp hỗ trợ, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, củng cố, phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối như: Rà soát, hỗ trợ khôi phục hoạt động trở lại đối với toàn bộ hệ thống chợ truyền thống, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai chương trình vận động các chủ nhà cho thuê mặt bằng để buôn bán, kinh doanh hỗ trợ giảm giá cho khách hàng thuê nhằm từng bước khôi phục hoạt động thương mại bán lẻ và hỗ trợ kích cầu trong bối cảnh còn nhiều mặt bằng cho thuê kinh doanh bị bỏ trống, góp phần tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa như thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu.
Ngọc Khánh