Triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa
Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Chiều 28/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng nhằm hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải nhựa và xây dựng kinh tế tuần hoàn được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các chiến lược, kế hoạch, đề án liên quan đến quản lý chất thải nhựa.
Đồng thời, Chương trình sẽ hỗ trợ triển khai các nội dung của Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; thiết lập một nền tảng tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý chất thải, chất thải nhựa tại Việt Nam.
Chương trình sẽ thành lập, thu hút và quy tụ lãnh đạo cấp cao của tổ chức phát triển quốc tế, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quốc tế, các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội trong Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng; phối hợp thực hiện và phát huy vai trò tiên phong của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham gia, thực hiện các công ước, điều ước quốc tế và thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, hợp tác công-tư trong quản lý chất thải nhựa.
Chương trình cũng tổ chức các hội thảo tham vấn, xúc tiến đầu tư hỗ trợ triển khai dự án, đề án thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Trong thời gian tới, Chương trình cũng thực hiện việc đánh giá, lập báo cáo và đề xuất phương hướng tăng cường quản lý, điều phối ngân sách viện trợ và huy động nguồn lực nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa và triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa; tổ chức đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch và huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam.
Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Chương trình sẽ thực hiện việc nghiên cứu, đề xuất định hướng, giải pháp triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam; huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước theo quy định để thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; hỗ trợ nghiên cứu điều tra, khảo sát đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa.
Chương trình sẽ tổ chức các hoạt động, chiến dịch truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người nhằm thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; thúc đẩy và phổ biến thực hành tốt và sáng kiến trong giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; đẩy mạnh quảng bá sáng kiến của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương, Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa và những đối tác liên quan với cộng đồng quốc tế thông qua kênh truyền thông và tổ chức sự kiện.
Ngoài ra, Chương trình sẽ tổ chức cuộc họp và sự kiện hằng năm để thông tin về kết quả nghiên cứu của Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án quốc gia./.
Theo TTXVN/Vietnam+