Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ngày 23/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chính thức về việc Tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH-15 và Kế hoạch số 5743/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh.
Theo văn bản 1861/TNMT-KS&TNN ngày 23/07/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng đề nghị các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 5743/KH-UBND; định kỳ (06 tháng, trước ngày 31/5 và hàng năm, trước ngày 31/12) hoặc theo yêu cầu, tổng hợp báo kết quả thực hiện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh.
Đồng thời, tổ chức quán triệt, công khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử của tỉnh, của địa phương hoặc các hình thức phù hợp khác đến tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; người dân, các đơn vị cấp nước sinh hoạt, nhà máy thủy điện, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn được biết, nghiên cứu để thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, nghiên cứu các quy định của Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước, chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: số 4105/UBND-TL ngày 23/5/2024 và số 4265/UBND-TL ngày 28/5/2024 để áp dụng, tham mưu, thực hiện các nội dung theo lĩnh vực quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Sở TN&MT cũng yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 26, khoản 3 khoản 4 Điều 53, khoản 2 khoản 3 Điều 80 và điểm b khoản 4 Điều 83 Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; khoản 3 Điều 31, khoản 3 Điều 39, khoản 3 khoản 4 Điều 95 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP; điểm b điểm c khoản 4 Điều 3, khoản 3 khoản 4 Điều 15, khoản 4 Điều 57 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP; khoản 3 Điều 14 Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT và nội dung liên quan theo các Thông tư: số 04/2024/TT-BTNMT và số 05/2024/TT-BTNMT.
Theo Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, các Nghị định của Chính phủ: số 53/2024/NĐ-CP, số 54/2024/NĐ-CP và Thông tư số 03/2024/TT- BTNMT đã sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định, Nghị định, Thông tư thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và các lĩnh vực khác (Luật: Đầu tư, Quy hoạch, Thủy lợi, Khí tượng thủy văn..) do đó đề nghị các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để thực hiện nhằm tránh trường hợp áp dụng các quy định có liên quan khi đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước 2023 quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước (TNN), đảm bảo an ninh TNN quốc gia.
So với các Luật Tài nguyên nước đã được ban hành trước đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 Chương, 86 Điều được ban hành với nhiều điểm mới như: Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nặng; cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép; chính sách sử dụng nước tuần hoàn; chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa; rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước; các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước; quy định rõ 11 trường hợp không cần kê khai, đăng ký, có giấy phép khai thác nước.
Thực hiện khoan thăm dò, khai thác nước phải có giấy phép hành nghề
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) số 28/2023/QH15 quy định, tài nguyên nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Do đó, mọi trường hợp, đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước tùy theo quy mô, mục đích sử dụng đều phải thực hiện việc kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định (trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và Điều 7 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP). Tổ chức, cá nhân thi công công trình giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; nếu không thực hiện theo các quy định nêu trên, sẽ bị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
Thanh Tùng - Tuyết Mai