Trọng dụng nhân tài: Sẽ xây dựng đề án chiến lược
Đề cập vấn đề trọng dụng nhân tài Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về trọng dụng nhân tài, bởi nhiều nước đã làm nên kỳ tích phát triển thông qua trọng dụng nhân tài.
Sắp ban hành đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 bước sang ngày chất vấn thứ ba. Theo chương trình, sáng nay (5/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục có 30 phút để trả lời chất vấn thuộc nhóm vấn đề về lĩnh vực nội vụ.
Tại Quốc hội, có 2 câu hỏi mà Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) gửi đến Bộ trưởng Nội vụ:
Thứ nhất, bà đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết kết quả thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo chủ trương của Đảng tại Kết luận số 86 của Bộ Chính trị và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 140 để tháo gỡ những điểm nghẽn và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách này. Với trách nhiệm của Bộ Nội vụ, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền cần phải sửa đổi, bổ sung những nội dung gì trong những chính sách hiện nay?
Thứ hai, tiêu chuẩn của cán bộ cấp xã được thực hiện theo quyết định tại Quyết định số 04/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong đó có quy định nhiều chức danh cán bộ chỉ đòi hỏi trình độ trung cấp, sơ cấp. Quy định này đã ban hành gần 20 năm, đến nay không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để khắc phục nhằm nâng cao trình độ cán bộ cấp xã trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 86 thu hút nhân viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ trẻ; trong nghị quyết 40 đã nêu mục tiêu thu hút 1.000 người. Trên cơ sở kết luận 86 Chính phủ có ban hành Nghị định 140.
Nếu tính riêng Nghị định 140 thì thực chất chúng ta thu hút chưa được nhiều. Đến 30/6/2022 mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Việc thực hiện Nghị định 140 có hạn chế, đó là khâu tuyên truyền để cho xã hội, các đối tượng tiếp cận thông tin và hiểu về chính sách này, từ đó sẽ ủng hộ nhưng mặt này còn hạn chế. Hai là các bộ ngành địa phương có nơi chưa thật sự quyết tâm tuyển dụng theo Nghị định 140. Riêng Bộ Nội vụ tuyển dụng được 7 người.
Tôi nhận định đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, nổi trội trong hệ thống. Chúng tôi mong muốn các bộ ngành, địa phương quan tâm vấn đề này.
Về giải pháp, tới đây Bộ sẽ đánh giá lại, nhìn lại tổng thể toàn diện trên cơ sở xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài (Chính phủ sắp ban hành) thì chúng tôi sẽ xây dựng nghị định mới kết hợp với Chính sách của Nghị định 140 Chính phủ đã ban hành rồi tích hợp chung để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các chính sách này dù đủ mạnh nhưng vẫn chưa thể so sánh với chính sách ở môi trường tư nhân được.
Về nội dung thứ 2 đại biểu Hằng quan tâm, theo Bộ trưởng Trà, những năm vừa qua chính quyền cấp địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã. Do đó chất lượng của đội ngũ này đã được nâng lên rõ rệt. Hiện có 82% cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học, đây là nỗ lực rất lớn của 63 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, nguồn đầu vào cán bộ chưa được như nguồn đầu vào công chức. Tới đây trên cơ sở đề án liên thông cán bộ công chức cấp xã, sẽ tham mưu Chính phủ về Quyết định 04 đã lỗi thời, không phù hợp nữa. Khi đó có đủ điều kiện liên thông đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cấp huyện cấp tỉnh, liên thông nền công vụ.
Để đảm bảo tính liên thông, các địa phương cần tiếp tục chăm lo xây dựng cán bộ công chức cấp xã.
Giáo dục và Y tế là 2 trụ cột an sinh xã hội
Nói về tự chủ tài chính ở đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, chúng ta tập trung lĩnh vực giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.
"Theo tôi suy nghĩ, giáo dục và y tế có thể nói là 2 trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất của chúng ta hiện nay. Người dân được nhờ ở 2 lĩnh vực này, nếu 2 lĩnh vực này thực hiện không tốt thì ảnh hưởng lớn đến người dân. Vì vậy khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực này phải thận trọng, chắc chắn, tránh làm theo phong trào.
Khi đặt ra tự chủ để tăng tính chủ động sáng tạo tự quyết. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính 100% thì sẽ thực hiện trả lương theo kết quả lao động. Đảm bảo chi thường xuyên thì trả theo quy định, số tiền còn lại đưa vào cơ quan để tái đầu tư cơ sở vật chất hoặc thưởng cho cán bộ, người lao động vào cuối năm. Nếu Nhà nước đảm bảo 100% thì giờ chúng ta còn đang khuyến khích khoán chi cho các bộ phận.
Vậy làm thế nào để đảm bảo dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân? Ví dụ, y tế công lập phục vụ người dân nghèo, thu nhập thấp. Tại Bệnh viện Bạch Mai, để chụp X-quang thì người bệnh chỉ phải trả 45 nghìn đồng, nếu ra ngoài chụp thì cần 500 nghìn đồng. Cho nên nội dung đơn vị nào chưa đảm bảo tự chủ thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo. Nguồn ngân sách nhà nước sẽ giúp đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị và để đảm bảo giữ chân người giỏi nhằm phục vụ người dân tốt nhất.
Có quan điểm cho rằng làm việc ở môi trường công hay môi trường tư đều là phục vụ, đóng góp cho xã hội nhưng theo nhận thức và tìm hiểu của tôi, ở các nước khác, việc trả lương công chức còn cao hơn lương mà khối doanh nghiệp ngoài ngoài nhà nước trả cho người lao động. Điều này nhằm giữ nhân tài để các nước hoạch định chiến lược, thúc đẩy, làm nền tảng để phát triển. Có câu nói, một người lo bằng kho người làm nên theo tôi phải giữ bằng được lực lượng tinh tuý nhất trong bộ máy nhà nước để từ đó sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn.
Huyền Diệu