Chủ nhật, 24/11/2024 05:09 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/01/2022 07:03 (GMT+7)

Từ 2022, 6 lĩnh vực nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

Theo dõi KTMT trên

Theo quyết định mới ban hành của Phó Thủ tướng Chính phủ, 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/1/2022.

Theo đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.

Bên cạnh đó, 1.662 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương; 70 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành giao thông vận tải; 104 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng; 76 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Từ 2022, 6 lĩnh vực nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính? - Ảnh 1
Giao thông vận tải là 1 trong 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quyết định mới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, GTVT, NNN&PTNT, Xây dựng và UBND cấp tỉnh căn cứ quy định của Luật Bảo vệ môi trường, rà soát danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cập nhật danh mục theo quy định.

Đồng thời, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính chủ động cung cấp thông tin liên quan gửi Bộ TN&MT chủ trì rà soát tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động; trên cơ sở đó, Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật vào danh mục.

Bộ trưởng các Bộ: TN&MT, Công Thương, GTVT, NN&PTNT, Xây dựng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, thống nhất, công bằng, minh bạch trong việc cập nhật, điều chỉnh danh mục phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế, xã hội và tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện.

Ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính đang là bài toán chung cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát khí thải nhà kính nhanh nhất.

Việc ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính sẽ là tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, xác định mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn; xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức, phát triển thị trường carbon với sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo Thỏa thuận Paris, Nghị định thư Kyoto mà Việt Nam là thành viên, từ năm 2021, Việt Nam có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm khí nhà kính. Để thực hiện nghĩa vụ này, các quốc gia phải xác định rõ các nguồn phát thải, mức phát thải hàng năm của mỗi nguồn để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện của quốc gia. Thực hiện yêu cầu này, các quốc gia thường mất nhiều năm để giám sát được hầu hết các nguồn phát thải chủ yếu.

Giai đoạn trước năm 2021, Việt Nam chưa phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc nhưng đã triển khai các chính sách, hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Hiện nay, xu hướng dịch chuyển năng lượng đang diễn ra rất rõ ràng, đặc biệt trong ba lĩnh vực vận tải, dân dụng và sản xuất. Trong bức tranh đó, nhiên liệu hydro xanh bắt đầu nổi lên như một giải pháp tiềm năng bởi nó không chỉ đáp ứng được điều kiện “sạch” ít phát thải khí nhà kính, mà còn có trữ lượng dồi dào, dễ vận chuyển, chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác. Theo nhận định của các chuyên gia, giao thông vận tải sẽ là lĩnh vực có tỷ lệ chuyển đổi sang nhiên liệu hydro xanh mạnh nhất. Phương tiện giao thông điện cũng là một hướng đi đúng đắn đối với lĩnh vực giao thông vận tải.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Từ 2022, 6 lĩnh vực nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới