Từ hôm nay 1/1/2022: Phân loại rác thải có đi vào nề nếp?
Sáng nay, người dân Hà Nội vẫn còn 'bỡ ngỡ' với việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Người dân cần thêm thời gian
Trò chuyện với chị Phương một công nhân môi trường ở Hà Nội cho biết: "Sáng ngày 1/1, tôi thu gom rác thải sinh hoạt tại nhiều khu đô thị trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhận thấy người dân vẫn chưa phân loại rác và rác thải vẫn bỏ lộn xộn trong hầm rác tòa nhà chung cư".
"Do rác thải không được phân loại từ nguồn, có nhiều loại rác thải rắn, nguy hại lẫn trong rác thải sinh hoạt khiến công nhân thu gom gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro lao động", chị Phương cho biết thêm.
Tiếp xúc với bà Lê Thị Hoàn (sinh sống tại một chung cư trên địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Mỗi tầng có hai thùng đựng rác vô cơ và hữu cơ, tuy nhiên nhiều hôm đi đổ rác tôi thấy cư dân vẫn bỏ lẫn lộn…".
Trước đó, tại TP.HCM, Đà Nẵng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)… cũng đã "thí điểm" phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Trả lời báo chí vị Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: "Phân loại rác chỉ là một vấn đề trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Chúng tôi đã có kế hoạch triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2020 từ thời điểm trước khi luật có hiệu lực".
Về nội dung ghi nhận của phóng viên tại một số khu dân cư, nhà chung cư ở Hà Nội người dân vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ông Thái nói: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra".
Luật Bảo vệ môi trường 2020 phù hợp với tình hình thực tiễn
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, triển khai đưa vào cuộc sống. Luật đã thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân.
Luật quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm ba loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm, chat thải rắn sinh hoạt khác.
Ban soạn thảo Luật đã nghiên cứu mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia đi trước về vấn đề phân loại rác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế thu phí rác theo khối lượng, Luật đã đưa ra một số quy định: Căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương mà Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển rác có quyền từ chối phục vụ và thông báo với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định gia đình, cá nhân nào vi phạm để xử lý nghiêm (thu thập bằng chứng qua hệ thống camera giám sát).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp có trách nhiệm vận động người dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ của người dân, xử lý hoặc chuyển lên cấp có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Ngoài ra, các gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn thì sau khi phân loại rác thải được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn cho gia súc.
Nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành các loại: nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất, nhóm chất thải rắn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng, nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Nguyễn Linh (T/h)