Vaccine của Cuba đem đến hy vọng cho các nước thu nhập thấp
Cuba tuy là một quốc đảo nhỏ đang chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận thương mại, nước này lại nổi lên như một trong những quốc gia thành công nhất về tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới, đem đến hy vọng cho những quốc gia thu nhập thấp khác.
Cuba - thành tích vaccine vượt trội
Dữ liệu của trang Our World in Data cho hay, Cuba hiện đã tiêm đầy đủ 3 liều vaccine cho 86% dân số của mình. Con số này bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Trong tháng này, Cuba cũng đang tiếp tục triển khai tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người dân nhằm chống lại sự lây lan của biến thể có khả năng lây truyền mạnh Omicron.
Hiện nay, Cuba đã nâng tỷ lệ tiêm vaccine cho dân số của mình lên cao hơn gần như tất cả các cường quốc giàu nhất trên thế giới. Trên thực tế, chỉ có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mới ghi nhận tỷ lệ tiêm phòng cao hơn quốc gia này.
Nằm tại vùng Caribbean, quốc đảo nhỏ này đã tự đạt được cột mốc quan trọng bằng loại vaccine do chính mình sản xuất, trong bối cảnh mà lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài hàng thập kỷ từ Mỹ vẫn đang gây ảnh hưởng sâu rộng cuộc sống và nền kinh tế nơi đây. Tại khu vực Mỹ Latin và Caribbean, Cuba cũng là nước duy nhất tự sản xuất được vaccine cho riêng mình.
Với ngành công nghệ sinh học của Cuba đã giúp quốc gia này sản xuất tới 5 loại vaccine Covid-19 khác nhau bao gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus. Hơn nữa theo giới chức y tế nước này, tất cả đều cung cấp tới 90% trở lên khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng khi tiêm 3 liều.
Có thể nói, đây chắc chắn là một kì tích đáng kinh ngạc. Tuy nhiên đối với những người làm công tác nghiên cứu công nghệ sinh học như bà Helen Yaffe, một chuyên gia Cuba và giảng viên lịch sử kinh tế và xã hội tại Đại học Glasgow, Scotland, việc này không đáng ngạc nhiên vì nó không tự dưng xuất hiện trong một ngày. Thành công này hoàn toàn nhờ vào tầm nhìn và những chính sách đầu tư có dụng ý của chính phủ vào cả lĩnh vực y tế công cộng và khoa học y tế.
Từ lâu, bà Yaffe đã tin tưởng vào khả năng của Cuba trong việc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới. Từ trước khi Cuba tự phát triển được vaccine, bà đã tự tin khẳng định quốc gia này có thể sản xuất vaccine trong nước một cách nhanh chóng.
Đây không phải là phỏng đoán, mà “dựa trên sự hiểu biết về hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng và cấu trúc của nó”. Tại Cuba, bác sĩ gia đình và các phòng khám có mặt ở mọi khu dân cư. Nhiều trong số đó còn nằm tại các vùng nông thôn khó tiếp cận và điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan y tế của quốc gia này có thể nhanh chóng cung cấp vaccine cho người dân trên đảo, bà Yaffe nói.
Một nguyên nhân nữa theo bà Yaffe là do Cuba không hề có bất cứ sự chần chừ nào liên quan đến vaccine – một điều đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác.
Mang lại hy vọng cho các quốc gia thu nhập thấp
Các loại vaccine của Cuba tại Nam bán cầu, đã được các quan chức y tế coi như là hy vọng, đặc biệt khi tỷ lệ tiêm phòng tại đây vẫn còn rất thấp. Một ví dụ có thể kể đến là châu Phi với tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 10% dân số trong khi ở Liên minh Châu Âu (EU) con số này là 70%.
Khi được hỏi ý nghĩa của việc WHO phê duyệt vaccine ngừa Covid của Cuba, bà Yaffe chia sẻ: “Tôi nghĩ nhiều quốc gia ở phía Nam bán cầu coi vaccine của Cuba là hy vọng tốt nhất của họ để được tiêm phòng vào năm 2025”.
Giáo sư danh dự tại Đại học Dalhousie, Canada, ông John Kirk cũng đồng ý với nhận định này. Ông cho rằng việc WHO chấp thuận vaccine của Cuba sẽ mang lại ý nghĩa to lớn với các nước đang phát triển.
Khác với vaccine của các nhà sản xuất lớn của Mỹ như Pfizer hay Moderna sử dụng công nghệ mRNA, tất cả vaccine của Cuba đều là vaccine protein tiểu đơn vị như Novavax của Ấn Độ. Đối với các quốc gia có thu nhập thấp, loại vaccine này không tốn kém để sản xuất, có thể dễ dàng sản xuất với quy mô lớn và không yêu cầu cấp đông sâu để bảo quản. Đặc biệt tại các nơi không có cơ sở vật chất để bảo quản vaccine như châu Phi, loại vaccine này sẽ đem đến sự trợ giúp lớn.
Mặt khác, Cuba cũng đề nghị tham gia chuyển giao công nghệ để chia sẻ về việc sản xuất vaccine với các nước có thu nhập thấp. Không giống với các tập đoàn lớn, mục tiêu của Cuba không phải là để kiếm được một khoản lợi nhuận lớn. Do đó theo ông Kirk, nước này sẽ kiếm được lợi nhuận, nhưng sẽ không phải khoản lợi nhuận kếch xù như những công ty đa quốc gia.
Cùng với đó, để điều này thành hiện thực thì WHO phải phê duyệt vaccine của Cuba trước. Dù đã có tới 2 cuộc trao đổi thông tin với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về quy trình thành lập Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (quy trình EUL), dữ liệu thử nghiệm vaccine lâm sàng của Cuba vẫn chưa trải qua thẩm định ngang hàng quốc tế.
Quá trình thẩm định sẽ bao gồm cả việc đánh giá mức độ đạt chuẩn quốc tế của các cơ sở sản xuất vaccine mà theo các quan chức của Cuba là yếu tố chính làm chậm tiến độ. Vicente Verez, người đứng đầu Viện vaccine Finlay của Cuba cho biết cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đang đánh giá các cơ sở sản xuất của Cuba theo “tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu” và quá trình nâng cấp sẽ rất tốn kém.
Hiện nay, biến thể mới Omicron đang xuất hiện trên khắp thế giới, gây ra những đợt bùng dịch với số ca nhiễm kỷ lục làm quá tải hệ thống y tế, việc sản xuất vaccine lại càng quan trọng. Tuy WHO dự đoán số vaccine trên thế giới đủ cho toàn bộ dân số trưởng thành toàn cầu tiêm, nhưng điều này chỉ xảy ra khi các nước phát triển không tích trữ vaccine cho các chương trình tiêm mũi bổ sung của mình.
Theo Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu WHO, việc phân phối vaccine nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp là rất cấp bách. Đặc biệt là khi có tới hơn 100 quốc gia có khả năng cao sẽ thất bại trong mục tiêu tiêm phòng 70% dân số vào tháng 7 năm nay của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc.
Tình hình hiện nay phản ảnh những gì sẽ xảy ra khi một quần thể rộng lớn không được tiêm phòng đầy đủ và không nhận được bất cứ sự bảo vệ nào từ vaccine. Các biến thể mới và các đột biến mới sẽ tiếp tục xuất hiện và sẽ gây ảnh hưởng ngược trở lại các quốc gia đã được tiêm phòng đầy đủ, bà Yaffe cho hay.
Với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng nhằm thúc đẩy việc sản xuất vaccine trên toàn cầu. Việc này đã được nhấn mạnh nhiều lần bởi WHO, các chuyên gia y tế, các nhóm xã hội dân sự, công đoàn, các cựu lãnh đạo thế giới, các tổ chức từ thiện y tế quốc tế, những người đoạt giải Nobel và các tổ chức nhân quyền.
Bùi Hằng (T/h)