Vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường xử phạt thế nào?
Trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP, Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều 17. Vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải có tính răn đe các hành vi vi phạm và có các mức hình phạt tương ứng với từng mức độ hành vi, dựa trên nguyên tắc: vi phạm càng lớn, mức xử phạt càng cao.
Điều 17. Vi phạm các quy định về hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi nhân sự, thiết bị, địa điểm cơ sở nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đầy đủ điều kiện về hóa chất (không có hóa chất, hóa chất đã hết hạn sử dụng) phục vụ quan trắc các thông số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không duy trì đầy đủ điều kiện về nhân lực (số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường, số lượng cán bộ chuyên trách thực hiện hoạt động phân tích môi trường, người quản lý phòng thí nghiệm, người phụ trách bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng) thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
b) Phiếu trả kết quả quan trắc không đánh số thứ tự, ký hiệu, không đủ thông tin theo quy định.
4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động không đúng phạm vi theo nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; cung cấp kết quả quan trắc, thử nghiệm đối với các thông số hoặc theo các phương pháp không được chứng nhận trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định (trừ các thông số không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường);
b) Không duy trì đầy đủ điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quan trắc hiện trường hoặc phân tích môi trường so với thời điểm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
c) Thực hiện kỹ thuật quan trắc không đúng theo quy định kỹ thuật quan trắc môi trường hoặc yêu cầu của phương pháp quan trắc đã được chứng nhận, không thực hiện đúng và đầy đủ quy định về quy trình, phương pháp quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;
d) Không lưu trữ đầy đủ dữ liệu quan trắc gốc đối với toàn bộ hoạt động dịch vụ quan trắc thực hiện trong 03 năm gần nhất hoặc từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đối với các đơn vị hoạt động dưới 3 năm.
5. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định nhưng vẫn thực hiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
6. Đối với hành vi không kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quy định của nhà sản xuất thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm d khoản 4 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi hành chính quy định tại điểm a khoản 4, khoản 5 Điều này.
Bùi Hằng