Chủ nhật, 24/11/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 16:00 (GMT+7)

Vi phạm chứng khoán, phụ trách quản trị NSH bị phạt 100 triệu đồng

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt bà Đỗ Thủy Tiên – Người phụ trách quản trị của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) 100 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Xử phạt vì không báo cáo giao dịch

UBCKNN ban hành Quyết định số 184/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đỗ Thủy Tiên (địa chỉ: 278 ấp G2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), cụ thể:

Phạt tiền: 100.000.000 đồng (mức trung bình của khung phạt từ 75.000.000 – 125.000.000 đồng) vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Được biết, bà Đỗ Thủy Tiên – Người phụ trách quản trị của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã chứng khoán: PSH) bán 49.300 cổ phiếu PSH (tương ứng với 493.000.000 đồng tính theo mệnh giá cổ phiếu PSH) vào ngày 3/8/2021 và bán 696.500 cổ phiếu PSH (tương ứng với 6.965.000.000 đồng tính theo mệnh giá cổ phiếu PSH) vào ngày 4/8/2021 nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch.

Vi phạm chứng khoán, phụ trách quản trị NSH bị phạt 100 triệu đồng - Ảnh 1
Bà Đỗ Thủy Tiên – Người phụ trách quản trị của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) 100 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xử phạt 50 triệu đồng đối với ông Nguyễn Đình Điệp do không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, khi không còn là cổ đông lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Điệp – chủ tài khoản số 003C032000 tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn và tài khoản số 085C000409 tại Công ty Cổ phần chứng khoán Thành Công, đã mua 25.600 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Việt Nhật (mã Ck: VNH), dẫn đến sở hữu trên 5% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của VNH (tăng từ 4,72% lên 5,06%).

Ngày 24/3/2021, ông Nguyễn Đình Điệp đã bán 179.500 cổ phiếu VNH, dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch giảm xuống dưới ngưỡng 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của VNH (giảm từ 7,22% xuống 4,99%), nhưng ông Nguyễn Đình Điệp không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, khi không còn là cổ đông lớn.

Từ ngày 16/10/2017 đến ngày 2/02/2018, ông Nguyễn Đình Điệp đã mua 229.600 cổ phiếu VNH dẫn đến sở hữu trên 5% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của VNH (tăng từ 4,59% lên 7,45%), trở thành cổ đông lớn VNH nhưng đến ngày 2/4/2018, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới nhận được công bố thông tin thay đổi sở hữu cổ đông lớn của ông Nguyễn Đình Điệp.

Bên cạnh đó, ông Điệp cũng bị phạt 30 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

NSH Petro kinh doanh không mấy "khá khẩm"?

Theo báo cáo tài chính, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, NSH Petro đạt doanh thu thuần 4.020,1 tỷ đồng, giảm 21,4% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận sau thuế tăng 20,9 lần, với 247,2 tỷ đồng.

Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của NSH Petro sau 9 tháng đầu năm 2021 khá tương đồng với một số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm xăng dầu khác như Petrolimex, PV Oil trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục tăng cao, giúp các doanh nghiệp ngành này hưởng lợi từ tồn kho với giá vốn thấp hơn.

Ngay cả trong quý III/2021, dù khu vực đồng bằng sông Cửu Long - thị trường chủ lực của Công ty - nằm trong vùng dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất nhưng giá dầu tăng vẫn hỗ trợ tích cực cho kết quả lợi nhuận của Công ty.

Tuy vậy, bất chấp lợi nhuận tăng trưởng mạnh hoạt động kinh doanh của NSH Petro vẫn chưa tạo ra thặng dư dòng tiền. Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh đã âm 188,4 tỷ đồng, chủ yếu do nhu cầu vốn lưu động gia tăng khi hàng tồn kho tăng thêm 911,8 tỷ đồng và khoản phải thu tăng 199,3 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu vốn này, Công ty đã phải vay nợ ròng thêm 188 tỷ đồng.

Trong 2 năm trước đó, mặc dù có lợi nhuận nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty cũng liên tục âm, đặc biệt là năm 2020 âm đến 590 tỷ đồng. Cùng với nhu cầu đầu tư lớn vào các tài sản cố định, máy móc thiết bị khiến nợ vay của Công ty liên tục tăng nhanh.

Tính đến 30/9/2021, tổng nợ vay của NSH Petro là 3.407,7 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,89 lần. Chi phí lãi vay của NSH Petro 9 tháng đầu năm 2021 là 157,4 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay lớn khiến lợi nhuận của Công ty chịu nhiều rủi ro biến động trong giai đoạn kinh doanh khó khăn.

Việc tăng vốn thành công sẽ giúp tăng vốn chủ sở hữu cho NSH Petro, giảm tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn và có thể phần nào giảm bớt áp lực dòng tiền.

Tuy vậy, với tỷ lệ tăng vốn điều lệ thêm 60%, áp lực pha loãng đối với các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tài sản, nguồn vốn của Công ty trong năm 2022 sẽ là không nhỏ. Mà không ai khác ngoài các cổ đông nhỏ lẻ của NSH Petro là những người đầu tiên chịu áp lực này.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, "Hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng. Và biện pháp khắc phục hậu quả là "Buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm" "Người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền" để xem xét xử lý" khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bố sung theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Hành vi "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", cụ thể là trong việc phát hành trái phiếu, nếu không cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015, thì không thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp bị đình chỉ chào bán chứng khoán theo quy định tại khoản 1, Điều 27 về "Đình chỉ chào bán chứng khoán ra công chúng", và cũng không thuộc trường hợp nào trong số 3 điều kiện huỷ bỏ chào bán theo quy định tại khoản 1, Điều 28 về "Hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng", Luật Chứng khoán năm 2019.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trường hợp này, muốn huỷ bỏ việc phát hành thì phải theo bản án hay quyết định của Toà án hoặc Trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Luật Chứng khoán năm 2019.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành. Đồng thời, tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Còn Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 "Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước & chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế" cũng không quy định nào về việc huỷ bỏ phát hành trái phiếu.

Ông Trương Thanh Đức cũng nói thêm, nếu tổ chức phát hành không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm chứng khoán, phụ trách quản trị NSH bị phạt 100 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới