Vi phạm công bố thông tin, Tập đoàn Nam Mê Kông bị phạt nặng
Vi phạm không công bố thông tin theo quy định, không công bố báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông đã bị xử phạt 210 triệu đồng.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định xử phạt đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (địa chỉ tại tầng 11, tòa nhà Geleximco, 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) với số tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu liên quan Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2019 định kỳ 6 tháng kể từ khi kết thúc đợt chào bán vào tháng 1/2020, cụ thể: Báo cáo tiến độ sử dụng vốn tại thời điểm tháng 7/2020; Báo cáo tiến độ sử dụng vốn tại thời điểm tháng 1/2021;
Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên trang thông tin điện tử của HNX các tài liệu liên quan Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2019 định kỳ 6 tháng kể từ khi kết thúc đợt chào bán vào tháng 1/2020, cụ thể: Báo cáo tiến độ sử dụng vốn tại thời điểm tháng 7/2021; Báo cáo tiến độ sử dụng vốn tại thời điểm tháng 1/2022.
Cùng với đó, Công ty bị phạt tiền 125 triệu đồng do không công bố báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng được kiểm toán xác nhận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận.
Tập đoàn Nam Mê Kông còn có tên gọi là Vinaconex 3 được thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty xây dựng số 5. Công ty nhận thầu xây lắp các công trình, thi công san lấp; Xây dựng và kinh doanh nhà, cho thuê văn phòng, kinh doanh bất động sản, khách sạn, du lịch; Lắp đặt các loại kết cấu bê tông, cấu kiện thép, các hệ thống kỹ thuật công trình, các loại máy móc, thiết bị (thang máy, điều hoà, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước); Sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng: gạch, ngói, đá, cát, sỏi, xi măng, tấm lợp, gỗ dùng trong xây dựng, sản xuất kinh doanh đồ gỗ hàng tiêu dùng.
Tháng 9/2020, công ty lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông, đồng thời bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh khác.
Về kết quả kinh doạnh, riêng quý 2/2022, doanh thu của VC3 đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lãi gộp chỉ còn 920 triệu đồng
Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt hơn 17,3 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính tăng gấp đôi lên gần 7 tỷ đồng. Chi phí QLDN giảm mạnh từ hơn 14,7 tỷ đồng xuống còn hơn 8,2 tỷ đồng và không ghi nhận chi phí bán hàng trong kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 859 triệu đồng, giảm 76% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, VC3 đạt 5,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 87% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1,7 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 so với nửa đầu năm 2021.
Năm 2007, VC3 chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Cổ phiếu VC3 đang duy trì giao dịch ở vùng giá cao. VC3 đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8/2022 ở mức 44.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% trong gần 1 tháng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc SB Law, thông tin và công bố thông tin có tác động lớn đến thị trường chứng khoán và quyết định đến sự ổn định và phát triển của thị trường.
Thông tin quyết định đến giá của các tài sản tài chính được niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến quyết định mua vào và bán ra của các nhà đầu tư.
Việc công bố thông tin phải đảm bảo 3 tiêu chí: Đầy đủ; chính xác; kịp thời theo quy định của pháp luật.
Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến công bố thông tin trên thị trường chứng khoán hiện nay là chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, chậm công bố các thông tin về thay đổi nhân sự, báo cáo phải kiểm toán đối với tổ chức …; chậm công bố thông tin hoặc không công bố thông tin về giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công bố đối với cá nhân. Ngoài ra còn tồn tại những trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch.
Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thì việc doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin khiến họ thiệt hại vì giá cổ phiếu bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp đồng thời xuất hiện thông tin tiêu cực về hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh khả quan, sau đó đưa ra báo cáo tài chính tự lập với con số tích cực, nhà đầu tư dựa trên cơ sở đó để quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, một số cổ đông hiện hữu quyết định nắm giữ cổ phiếu vì thấy kết quả hoạt động của doanh nghiệp đang tốt.
Nhưng sau kiểm toán, lợi nhuận "bốc hơi" do hạch toán không đúng khoản mục, chưa đủ cơ sở ghi nhận… Mặc dù doanh nghiệp đã giải trình vì sao lại có sự chênh lệch số liệu trong báo báo tài chính tự lập so với báo cáo sau khi được kiểm toán. Tuy nhiên với các nhà đầu tư, việc giải thích này cũng không giúp lấy lại những tổn thất của họ do đã dựa trên những thông tin không chính xác mà doanh nghiệp cung cấp để đưa ra quyết định giao dịch.
Ngoài ra, vi phạm công bố thông tin cũng có thể là một chỉ báo về khả năng có giao dịch nội gián. Các giao dịch nội gián thường dựa trên việc cố tình lợi dụng lợi thế về việc tiếp cận được thông tin tốt hoặc xấu về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Nguồn thông tin thường xuất phát từ các thành viên cấp cao và người có liên quan trong tổ chức phát hành. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các giao dịch nội gián thường diễn ra sau khi công ty có thông tin quan trọng và trong khoảng 20 ngày trước khi công ty công bố thông tin này ra công chúng.
Hà Lan