Vi phạm hành chính về thuế, Tập đoàn Hà Đô bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt
Cục Thuế Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Tập đoàn Hà Đô) do có nhiều vi phạm quy định về thuế.
Vi phạm hành chính về thuế
Quyết định xử phạt nêu rõ, Tập đoàn Hà Đô đã có hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh (hóa đơn trước thời điểm thông báo của cơ quan thuế); kê khai thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào không phục vụ sản xuất kinh doanh trong kỳ không đúng quy định.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty hạch toán chi phí của các hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh (hóa đơn trước thời điểm thông báo của cơ quan thuế); hạch toán chi phí quản lý doanh nghiệp không đủ hóa đơn chứng từ, không phục vụ sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Ngoài ra, công ty chuyển vốn hóa chi phí sử dụng vốn chi trả cho Công ty Hà Đô 756 vào Dự án An Khánh chưa đúng theo nội dung sử dụng vốn của hợp đồng; hạch toán các khoản tạm ứng không có đủ hồ sơ chứng minh; hạch toán các khoản công nợ phải trả và các khoản ứng trước của khách hàng không có đầy đủ hồ sơ chứng minh.
Từ những hành vi vi phạm trên, Cục trưởng Cục thuế TP.Hà Nội quyết định xử phạt hành chính 6,5 triệu đồng đối với Hà Đô. Đồng thời, buộc công ty giảm thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau năm 2020 với số tiền 31,36 triệu đồng; giảm lỗ, số tiền 19,16 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối năm 2019, tập đoàn này cũng đã bị Cục Thuế Hà Nội phạt và truy thu thuế gần 5,7 tỷ đồng.
Cụ thể, công ty này bị phạt tiền về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (theo tỷ lệ 20%) là hơn 915 triệu đồng; phạt hành vi khai sai nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp là 2,1 triệu.
Bên cạnh đó, công ty được điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ (tháng 12/2018) chuyển kỳ sau là gần 42 triệu đồng.
Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô ra sao?
Tập đoàn Hà Đô được thành lập từ năm 1990, tiền thân là Công ty xây dựng Hà Đô, Tập đoàn Hà Đô hiện là 1 trong những tập đoàn đầu tư và năng lượng lớn của Việt Nam. Tập đoàn này có 14 công ty thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Hà Đô đặc biệt nổi lên với một loạt dự án bất động sản (khu đô thị, căn hộ, liền kề) trên cả nước như: Hado Garden Villas (Q.10, TP.HCM); Dự án Hado Charm Villas (H.Hoài Đức, Hà Nội); Dự án Nongtha Central park (Lào); Khu đô thị Hà Đô Thới An (Q.12, TP.HCM)…
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính của Hà Đô, quý 4/2021 lãi sau thuế đạt hơn 604 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là trong quý 4, tập đoàn tiếp tục thực hiện bàn giao nhà tại dự án HaDo Centrosa Garden, HaDo Charm Villa và đưa vào phát điện 3 nhà máy: thuỷ điện Đăk Mi 2, Điện gió 7A, thuỷ điện Sông Tranh 4.
Luỹ kế cả năm 2021, Hà Đô đạt gần 3.842 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020.
Trong phiên giao dịch ngày 10/2, giá cổ phiếu HDG của Hà Đô giảm 0,31% về 63.400 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch khá thấp đạt hơn 428.900 cổ phiếu.
Ông chủ Tập đoàn Hà Đô là ai?
Đại tá Nguyễn Trọng Thông hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG). Ông Thông sinh ngày 12/12/1953, trong một gia đình tri thức tại Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Trong giai đoạn 1979 đến 1989, ông Thông trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban doanh trại – Viện Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng.
Từ năm 1990, ông Thông đề xuất với Bộ Quốc Phòng thành lập xí nghiệp Xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự. Hai năm sau, xí nghiệp Xây dựng được chuyển sang đơn vị hạch toán độc lập và đổi tên thành Công ty xây dựng Hà Đô.
Đến năm 2004, Công ty Hà Đô cổ phần hóa và chuyển thành Công ty cổ phần Hà Đô. Sau sáu năm hoạt động và phát triển mạnh mẽ, Công ty cổ phần Hà Đô chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô và niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, mã HDG.
Hiện Hà Đô đã trở thành tập đoàn lớn mạnh với hệ thống 11 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động đa lĩnh vực. Đồng thời tập đoàn còn tạo công việc cho hơn 1.500 người lao động trên khắp cả nước.
Hà Lan (T/h)