Chủ nhật, 24/11/2024 06:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/10/2022 16:55 (GMT+7)

Vì sao Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM thêm một năm?

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho TP HCM thí điểm chính sách đặc thù đến hết năm 2023 do quá trình thực hiện 5 năm qua còn nhiều vướng mắc.

Ngày 21/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền Chính phủ, báo cáo Quốc hội thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM (Nghị quyết 54) sau 5 năm.

Nhiều chính sách còn chậm, chưa mang lại hiệu quả

Theo Bộ trưởng Tài chính, Nghị quyết 54 đã tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP.HCM, giúp địa phương đạt nhiều kết quả.

Nhưng bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra hạn chế khi nhiều nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM còn chậm được thực hiện so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt…

Vì sao Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM thêm một năm? - Ảnh 1
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Phạm Thắng)

"Về khách quan, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nên thực tế không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách đặc thù", theo Bộ trưởng Tài chính.

Vì thế, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31/12/2023.

Cần tính toán hiệu quả nếu thực hiện thêm 1 năm

Về phía cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.

Với yêu cầu đó, ông đề nghị cần nhận diện thẳng thắn những khó khăn, hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố phải xử lý (như triển khai giải phóng mặt bằng, triển khai dự án…), hay những vướng mắc do cơ chế phối hợp, không chỉ phụ thuộc vào thành phố mà liên quan đến nhiệm vụ của các bộ ngành (như vấn đề sắp xếp lại cơ sở nhà đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư…) cần nêu rõ địa chỉ cụ thể.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá trách nhiệm của thành phố, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, của Chính phủ, của Quốc hội trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống, theo đó làm rõ những mặt tích cực trong thực hiện trách nhiệm và cả những tổ chức, cá nhân chưa làm đúng trách nhiệm (nếu có).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 là cần thiết, song Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện.

Hơn nữa, Chính phủ cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19, Báo cáo cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Trong báo cáo, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, chỉ có thêm 1 năm để thực hiện và là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.

“Có ý kiến đề nghị cho phép kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 để bù lại tương ứng 2 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19,” ông nói.

Ngoài ra, dẫn Nghị quyết 54 về cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ, đại diện Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là quy định rất mở so với quy định của Luật ngân sách Nhà nước nhằm tạo sự chủ động cho thành phố, trường hợp áp dụng có hiệu quả, cần nghiên cứu, đề xuất đề nghị sửa đổi quy định pháp luật theo đúng quy định tại Nghị quyết số 54.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM thêm một năm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới