Chủ nhật, 24/11/2024 04:37 (GMT+7)
Thứ năm, 09/06/2022 11:11 (GMT+7)

Vì sao SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia?

Theo dõi KTMT trên

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, SJC là thương hiệu được người dân ưa chuộng, cũng là thương hiệu chiếm 90% thị trường vàng miếng Việt Nam.

Sáng 9/6, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về nhóm vấn đề thứ 3.

Lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia

Mở đầu phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm rõ thêm phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) về quản lý thị trường vàng.

Theo Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay có diễn biến không bình thường, đặc biệt là sự chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.

Vì sao SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia? - Ảnh 1
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao.

Với vai trò quản lý Nhà nước, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Về việc độc quyền vàng miếng SJC, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, SJC là thương hiệu được người dân ưa chuộng từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành.

Trước đây thị trường vàng có nhiều tồn tại, hạn chế, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý Nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất vàng miếng. Khi đánh giá tình hình sản xuất vàng miếng như thế nào, tại thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước đánh giá có một số thương hiệu vàng ngoài SJC nhưng 90% vàng trên thị trường là thương hiệu SJC. Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước phải lựa chọn thương hiệu nào để sản xuất, thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước hay lựa chọn 1 trong số các thương hiệu không phải SJC.

Tuy nhiên, sau khi phân tích đánh giá chi phí, Ngân hàng Nhà nước thấy nếu như lựa chọn đưa ra một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước riêng hoặc là lựa chọn một trong số thương hiệu khác không phải SJC, có thể trên thị trường người dân sẽ chuyển đổi từ thương hiệu SJC đang chiếm 90% sang thương hiệu vàng đó, vô hình chung mất nhiều chi phí không cần thiết của xã hội. Do đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Có nên sửa Nghị định 24?

Tranh luận lại phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Nghị định 24 của Chính phủ đã được ban hành cách đây 10 năm, đến nay có bất cập không khi giá vàng thế giới và trong nước đã biến động rất lớn và tại sao chúng ta không sửa Nghị định này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng dư luận đang xôn xao về việc SJC sản xuất độc quyền vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước có thể cho đơn vị, tổ chức nào đó sản xuất thương hiệu vàng nào khác để cạnh tranh với SJC hay không, để thị trường vàng hạ nhiệt, giá vàng giảm xuống? Bởi nếu giá vàng SJC tăng cao thì tình hình lạm phát có thể sẽ tăng theo và đồng tiền Việt Nam cũng có thể mất giá. Vì vậy cần có sự điều chỉnh giá vàng SJC ở trong nước phù hợp với thị trường trên thế giới.

Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhắc lại, Nghị định 24 xác định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Ở đây Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thuê SJC sản xuất.

Trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước.

"Lúc đó chúng tôi sẽ đánh giá, phân tích tác động và xin ý kiến chắc chắn sẽ xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vì sao SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới