Việt Nam thúc đẩy thị trường mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến năm 2030, tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35% và tăng lên 50% vào năm 2050.
Sáng 10/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”.
Cùng với việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, Việt Nam đang liên tục cập nhật các chiến lược, kế hoạch và chương trình hướng tới một nền kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Hình thành thị trường xanh
Trình bày kết quả nghiên cứu, TS Hồ Công Hoà - Phó trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đưa ra khái niệm về mua sắm công xanh của Uỷ ban châu Âu, theo đó: Mua sắm công xanh là một quy trình trong đó các cơ quan tư nhân, Nhà nước và bán công đáp ứng nhu cầu của họ về hàng hoá, dịch vụ, công trình và tiện ích bằng cách lựa chọn các giải pháp có tác động giảm thiểu đến môi trường trong suốt vòng đời của họ, so với các sản phẩm, giải pháp thay thế.
Còn tại Điều 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của Việt Nam có nêu: Mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật.
Ông Hòa chỉ ra rằng, tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 chiếm khoảng 25,9-30,2% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển trung bình khoảng 19,7-30,8% tổng ngân sách nhà nước và tổng gói thầu mua sắm công chiếm trung bình khoảng 12,5% GDP (bao gồm giá trị mua sắm thường xuyên trung bình khoảng 27,4% và chi cho đầu tư phát triển chiếm tới 72,6%).
Với vị trí và vai trò đó, ông Hòa cho hay Việt Nam đã ban hành các chính sách về mua sắm công xanh, từng bước hình thành được thị trường mua sắm xanh. Cụ thể, các yêu cầu bảo vệ môi trường được đề cập trong các hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu đối với nhà đầu tư và nhà thầu.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng nhấn mạnh các quy định mới chủ yếu yêu cầu về các giải pháp hạn chế tác động đến môi trường của dự án, đặc biệt là giai đoạn thi công.
Trên thực tế, một số hồ sơ về mua sắm có quy định yêu cầu nhà thầu cung cấp các thông tin về môi trường nhưng chưa có các tiêu chí cụ thể, cách thức lồng ghép vào các hồ sơ và đánh giá hồ sơ thầu chưa được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu sơ tuyển cho đến hồ sơ mời thầu. Các yếu tố liên quan đến đầu vào, phân tích chi phí lợi ích mở rộng (chi phí lợi ích đối với môi trường và khí hậu) chưa được đề cập.
Cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh
Để triển khai chính sách mua sắm công xanh hiệu quả, ông Hòa cho rằng cần có quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động mua sắm công xanh, như việc bắt buộc và khuyến khích lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình mua sắm công để phân tích, đánh giá lựa chọn được đầu tư, lựa chọn nhà thầu. Về lựa chọn nhà thầu, các đơn vị cần tổ chức điều tra, đánh giá doanh nghiệp về khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ xanh của thị trường.
Thêm vào đó, ông Hòa đề xuất việc thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh, nhằm tạo ra những công cụ chính sách quan trọng để thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
“Cần ban hành các chính sách bắt buộc, ưu đãi, khuyến khích và tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của doanh nghiệp về sản xuất, tiêu dùng xanh-bền vững và các chương trình, chính sách ưu đãi cho mua sắm công xanh.
Để thực thi các chính sách hiệu quả, yếu tố hàng đầu là con người. Do đó, ông Hòa nhấn mạnh công tác đào tạo về mua sắm công xanh cho người phụ trách tại các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là hết sức quan trọng.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh và đặc biệt là các chỉ tiêu về chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh vào lập dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký hồ sơ chứng nhận ISO 14001 (môi trường); ISO 50001 (năng lượng); ISO 26000 (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); báo cáoLớp ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).
Theo TS Đặng Đức Anh: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam là đến năm 2030, tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35% và tăng lên 50% vào năm 2050. Điều đó đòi hỏi, các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy mua sắm công xanh do vai trò hết sức quan trọng của phân khúc này trong việc hình thành thị trường xanh của Việt Nam.
Từ kết quả phân tích, báo cáo đề xuất hai phương án lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu. Trong đó, phương án thứ nhất, ban hành thông tư riêng về mua sắm công xanh, hoặc sửa đổi, bổ sung một phụ lục riêng về mua sắm công xanh của Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT và Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT; phương án thứ 2, Bọ Kế hoạch và đầu tư ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung lồng ghép các tiêu chí môi trường và các mẫu biểu đồ hồ sơ mời thầu được quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT và Thông tư 08/TT-BKHĐT.
Cùng với đó, cần thể chế hoá chính sách mua sắm công xanh, nhằm tạo ra những công cụ chính sách quan trọng, nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách đảm bảo công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử. Không tạo ra các phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, loại hình sở hữu lớn, nhỏ. Ban hành các chính sách bắt buộc, ưu đãi, khuyến khích và tạo ra thay đổi từ nhận thức đến hành động của doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững, theo đó cần có thêm những chương trình, chính sách ưu đãi cho mua sắm công…
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, các bộ ngành, địa phương cần tích hợp quy chế mua sắm công xanh vào các trang điện tử thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bao gồm các quy chế đấu thầu, quy chế xây dựng dự toán ngân sách, danh mục các hàng hóa xanh. Mặt khác, cổng thông tin này phải được dẫn chiếu tới trang điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Hà Ly