VietinBank muốn giữ toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ phiếu
Vấn đề tăng vốn của VietinBank trở nên “nóng” hơn do từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng phải đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%, theo chuẩn mực vốn quốc tế Basel II. Do đó, HĐQT Vietinbank đã trình Đại hội cổ đông thường niên 2020 phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.
Tại ĐHCĐ thường niên 2020, lãnh đạo Vietinbank cho biết đang đề xuất các giải pháp để Chính phủ và các Bộ ngành phê duyệt phương án tăng vốn. |
Sáng ngày 23/5, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT cho biết : "Năm 2019, Hội đồng quản trị chỉ đạo triển khai các phương án tăng vốn và nâng cao chất lượng nguồn vốn tự có của Vietinbank. Chúng tôi đề xuất các giải pháp để Chính phủ và các Bộ ngành phê duyệt phương án tăng vốn cho ngân hàng. Hiện tại Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành liên quan đã trình Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank. Các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi cơ sở pháp lý, Nghị định 91, 32 và các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới".
Nhiều năm qua, tại các kỳ họp ĐHCĐ thường niên, Vietinbank đều trình phương án tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn cao tốt hơn. Đến nay, áp lực tăng vốn càng trở nên bức thiết khi các ngân hàng bắt buộc phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%, theo chuẩn mực vốn quốc tế Basel II kể từ ngày 1/1/2020.
“Yêu cầu tăng vốn của Vietinbank là hết sức cấp thiết. Khác với các ngân hàng thương mại khác, VietinBank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn: tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%; tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%”, lãnh đạo VietinBank nói.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết để đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định mới, ngay đầu năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank cần bổ sung một lượng vốn khá lớn. Các ngân hàng gốc quốc doanh này đều có tỉ lệ an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với mức bình quân của hệ thống, đặc biệt là VietinBank và Agribank đã sát ngưỡng tối thiểu quy định 9%.
Về tỉ lệ an toàn vốn của VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết với những biện pháp đang đồng bộ, hiện CAR theo TT22 của NHNN khoảng 10% (cao hơn mức tối thiểu 9%), theo Basel II là 8,6% (vẫn cao hơn so với mức tối thiểu 8%). Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng cao hơn thì tỉ lệ này sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, Vietinbank xây dựng các phương án tăng vốn điều lệ từ các nguồn sẵn có như: lợi nhuận tích lũy nội bộ, chia cổ tức bằng cổ phiếu, đề xuất phát triển các kênh tăng vốn mới, phát hành trái phiếu thứ cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, kiểm soát tốt tốc độ tăng trưởng và cơ cấu tài sản có rủi ro.
Ngân hàng đã thực hiện tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu thứ cấp. Năm 2019, VietinBank phát hành hơn 5.500 tỉ đồng trái phiếu thứ cấp, bán danh mục đầu tư trái phiếu thứ cấp, thoái vốn và giảm tỉ lệ sở hữu tại các công ty mà VietinBank góp vốn nhưng vẫn đảm bảo quyền kiểm soát và phát triển đồng bộ theo hướng Tập đoàn ngân hàng tài chính.
Tại đại hội, ban lãnh đạo đã trình kế hoạch kinh doanh năm 2020, trong đó, dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 4-8,5%, thấp hơn so với năm trước. Nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, dự kiến 5 - 10%; Tỉ lệ nợ xấu dự kiến dưới 2%.
Tuy nhiên, hai nội dung quan trọng là chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức thì VietinBank chưa chốt được kế hoạch cụ thể cho năm 2020. Ông Lê Đức Thọ cho biết: “Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến bảo đảm hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh, bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 thì mới cập nhật kế hoạch lợi nhuận".
Đối với lợi nhuận phân phối sau khi đã trích lập, lãnh đạo VietinBank đề nghị giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có trong thời gian tới. Phương án chia cổ tức cụ thể sẽ được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cập nhật về kết quả kinh doanh trong mùa dịch Covid-19, lãnh đạo Vietinbank cho biết, tác động của dịch là rất rộng, làm cho tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng sản xuất, bị ảnh hưởng bởi các chuỗi liên kết trong và ngoài nước. Đầu vào và đầu ra đều bị ảnh hưởng. Trong quý 1/2020, tín dụng của ngân hàng bị giảm khoảng 1% so với cuối năm 2019. Nguồn vốn huy động vẫn tăng trưởng dương. Lợi nhuận quý 1/2020 đạt xấp xỉ 3.000 tỉ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Nợ xấu hết quý 1/2020 tăng lên 1,8% do việc xử lý, thu hồi nợ trong kế hoạch bị ảnh hưởng lớn khi tập trung đối phó dịch bệnh. Có những khách hàng vốn đã khó khăn lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến khó khăn kép ảnh hưởng tới khả năng trả nợ.
Nợ xấu tại VAMC đã giảm từ hơn 13.000 tỉ đồng xuống còn hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó ngân hàng đã trích lập dự phòng trên 50%, cao hơn so với yêu cầu của quy định. Đến hiện tại, tín dụng vẫn giảm so với đầu năm (khoảng 2%), do tổng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa được phục hồi đáng kể. Nợ xấu sang quý 2 có thể đưa về 1,5% dư nợ.
Lợi nhuận của Vietinbank đang theo kế hoạch, dự kiến quý 2 tăng mạnh lên 6.000 tỉ đồng, gấp đôi so với quý 1.
Hải Hà