Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp.
Năm 2019, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự cải thiện cả về thứ hạng và điểm số so với năm trước đó.
Với mục tiêu cải thiện môi trường, tạo sự hấp dẫn, tin cậy cho nhà đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai bằng việc tiến hành phân loại thủ tục hành chính để áp dụng quản lý giải quyết theo tiêu chuẩn ISO; bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ để duy trì cập nhật ứng dụng phần mềm điện tử phiên bản TCVN ISO 9001:2015 và triển khai phần mềm nội bộ hỗ trợ nghiệp vụ tại Văn phòng Đăng ký đất đai; tích cực rà soát, tinh giản và rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Trong 5 năm 2016 - 2020, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết đối với 63/87 thủ tục hành chính cấp tỉnh có thời gian giải quyết từ trên 10 ngày trở lên, trong đó có 20 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai.
Sở phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách về lĩnh vực đất đai; triển khai kịp thời các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai, công tác thu hồi, giao đất, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá đất, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong khu, cụm công nghiệp và áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Thường xuyên đôn đốc UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm để làm cơ sở thực hiện thủ tục thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đến nay, 9/9 huyện, thành phố đều được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020. Các huyện đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất theo quy định để các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất trong việc lựa chọn vị trí cũng như hoàn thiện hồ sơ về đất đai cho các dự án sản xuất, kinh doanh.
Sở đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức; xác định cụ thể, rõ ràng và tính khả thi của các hạng mục công trình, dự án trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng bảng giá đất 5 năm để làm cơ sở thực hiện thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các nhà đầu tư quan tâm có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu tham gia thị trường...
5 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình HĐND tỉnh, Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép chuyển đổi mục đích hơn 3.388 ha đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện 727 công trình, dự án; thực hiện giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 383 dự án trên diện tích gần 826 ha phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Tiến hành thẩm định hơn 230 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên tổng diện tích 239 ha; ký kết hơn 450 hợp đồng thuê đất đối với hơn 530 tổ chức với diện tích hơn 3.000 ha; xác định giá đất cụ thể đối với 733 dự án; cấp 1.451 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức trên địa bàn, với diện tích hơn 634 ha (đạt gần 90%); cấp hơn 100 nghìn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên diện tích hơn 2.446 ha (đạt trên 98%).
Ngoài ra, Sở tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất sạch; thực hiện đối thoại để hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất của tỉnh. Trong 5 năm (2016 - 2020), Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức hàng chục cuộc đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp giải quyết được nhiều vấn đề khúc mắc trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng.
Với những nỗ lực đó, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh có sự cải thiện cả về thứ hạng và điểm số. Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 5/2020, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh xếp hạng 49/63 tỉnh, thành, với 6,38 điểm, tăng 0,64 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2018.
Mặc dù cải thiện cả về thứ hạng và điểm số, song chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh vẫn đứng trong nhóm cuối của bảng xếp hạng. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hết khó trong việc tiếp cận đất đai. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thủ tục hành chính về đất đai của tỉnh chưa phù hợp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc trong khi dữ liệu số cơ sở đất đai của tỉnh chưa hoàn thiện. Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, rủi ro bị thu hồi đấttrên địa bàn tỉnh còn khá cao.
Để tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; rà soát hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách về đất đai đã ban hành nhằm phát hiện các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung; xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh; tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin về đất đai...
Thanh Huyền