Chủ nhật, 24/11/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ hai, 20/12/2021 11:00 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Đảm bảo môi trường an toàn và phát triển bền vững trong các KCN là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, coi trọng việc nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

“Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”

Cùng với tình hình thu hút đầu tư và phát triển của các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua các KCN đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Theo ông Nguyễn Xuân Phương - Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, sự hình thành và đi vào hoạt động của các KCN trên địa bàn thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy CNH - HĐH, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho trên 100 nghìn người lao động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các KCN cũng gây ảnh hưởng không nhỏ về môi trường, đòi hỏi các KCN cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN.

Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường” của tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ khi bắt đầu thành lập các KCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển các KCN phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững trong các KCN.

Vĩnh Phúc: Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, ngay từ khi bắt đầu thành lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển các KCN phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững trong các KCN.

Tại các KCN, để đảm bảo môi trường phát triển bền vững, Ban Quản lý tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường; Đồng thời kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp đầu tư dự án quy mô lớn (hàng trăm triệu USD) có ý định đầu tư vào các KCN tỉnh nhưng đã bị từ chối tiếp nhận vì dự án đầu tư không đảm bảo yếu tố an toàn trong công tác môi trường theo quy định.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đi vào hoạt động có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, gồm: Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ hiệu quả các loại cây xanh trong các KCN, ngoài hàng rào KCN, quanh nhà xưởng sản xuất một cách thường xuyên hơn, quyết liệt hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, tạo cảnh quan tươi đẹp. Hiện, không ít khu vực trong KCN khang trang, sạch đẹp bởi cây xanh, thảm cỏ dày đặc, đường thảm nhựa, thảm bê tông rộng rãi, thẳng tắp.

Thúc đẩy các mô hình khu công nghiệp “xanh”

Hướng tới phát triển xanh, bền vững, Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản, Chủ đầu tư Dự án KCN Thăng Long Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình. Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản tại Việt Nam, sau các KCN Thăng Long I (Hà Nội), Thăng Long II (Hưng Yên). 

Dự án KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017, với tổng diện tích hơn 213 ha. Trong đó, chủ đầu tư đã tập trung vào việc thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh… nhằm tạo ra quang cảnh "xanh, sạch, đẹp", giảm cảm giác nặng nề, bức bối giữa không gian nhà xưởng.

Đặc biệt, dành trên 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Ngoài ra, trong các tuyến đường nội khu, công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6 km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái.

Việc trồng, chăm sóc cây xanh trong môi trường công nghiệp hiện nay đã và đang trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi đơn vị, doanh nghiệp. Với sự đầu tư bài bản, đồng bộ cùng không gian xanh giúp điều hòa không khí, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã và đang được kỳ vọng trở thành một KCN kiểu mẫu với môi trường làm việc thân thiện, tạo bước đột phá trong bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh. 

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải tại các KCN hiện phát sinh khoảng 18 nghìn m3/ngày đêm. Đến nay, 100% các KCN đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 27.800 m3/ngày đêm; Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật và thực hiện thông tin báo cáo theo quy định. 

Trong đó, KCN Khai Quang, TP.Vĩnh Yên được hình thành từ năm 2003, với loại hình sản xuất chủ yếu là thiết bị cơ khí chính xác, điện tử, điện lạnh, thiết bị, phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm kim loại và phi kim loại, may mặc… Do các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bởi vậy, các ngành chức năng đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp; Hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật Hóa chất; Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải đối với các doanh nghiệp trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra định kỳ, lấy mẫu đột xuất, quan trắc môi trường định kỳ theo mạng lưới quan trắc hiện trạng môi trường do UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hiện KCN Khai Quang có nhà máy xử lý nước thải tập trung với 3 modul, tổng công suất 9.800 m3/ngày đêm đã xử lý triệt để nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất có chứa công nghiệp. Theo kết quả quan trắc môi trường 8 tháng đầu năm 2021, các thông số môi trường trong nước thải sau hệ thống xử lý đều nằm trong giới hạn cho phép (đạt cột A - QCVN  40:2011/BTNMT).

Tại KCN Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên có 19 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động sản xuất các linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại phương tiện giao thông, bao bì… trung bình tổng lượng nước thải phát sinh trên 763 m3/ngày đêm.

Để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nước, Công ty TNHH Vina CPK – đơn vị đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN đã sớm xây dựng xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung rất hiện đại, gồm 2 modul với tổng công suất 5.000 m3/ngày. Cùng với đó lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A - QCVN 40:2011/BTNMT.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới