Chủ nhật, 24/11/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/08/2021 11:15 (GMT+7)

Vụ 9 con hổ ở Nghệ An: Khó khăn nhất là kinh phí để nuôi hổ

Theo dõi KTMT trên

Theo quy định hiện nay, chi phí tạm thời nuôi 9 con hổ sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả. Khi cơ quan tố tụng chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm thì đơn vị này sẽ chi trả, xử lý theo pháp luật.

Hiện tại, Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang nhận và chăm sóc 9 con hổ được lực lượng chức năng Nghệ An bàn giao từ ngày 4/8 sau khi thu giữ từ một nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành.

Đối với 8 con hổ đã chết, cơ quan chức năng đã quyết định bảo quản xác của chúng bằng cách cấp đông.

Vụ 9 con hổ ở Nghệ An: Khó khăn nhất là kinh phí để nuôi hổ - Ảnh 1
Các con hổ được cơ quan công an giải cứu ngày 4/8. (Ảnh minh họa)

Mỗi ngày tiêu tốn gần 20 triệu đồng

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Mỗi ngày chi phí ăn uống, chăm sóc 9 con hổ còn sống khoảng 20 triệu đồng, vị chi mỗi tháng ngốn gần 600 triệu đồng.

UBND tỉnh Nghệ An đã giao cơ quan kiểm lâm của tỉnh chủ trì xử lý các cá thể hổ, đồng thời đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện tại chưa có đơn vị nào đứng ra nhận nuôi số hổ này.

Ông Phạm Đức Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết: “9 cá thể hổ là vật chứng của vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra. Đây là vật chứng mang tính đặc biệt, phải chăm sóc chu đáo, tốt nhất.

Việc xử lý vật chứng liên quan đến nhiều Sở, ban, ngành. Chúng tôi và Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An gửi văn bản đề nghị Cục Kiểm lâm và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vào cuộc xử lý và đang chờ chỉ đạo”.

Thả hổ về với tự nhiên?

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An nhận định, việc chuyển 9 con hổ đi nơi khác thì cũng cần một thời gian nữa mới đảm bảo an toàn; nếu vội vàng thì sẽ rất bất lợi cho những con thú. Cơ sở vật chất và tiềm lực kinh tế của Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm có thể đảm nhận nuôi thêm 9 con hổ này. Số hổ này nuôi để thả về tự nhiên là không thể bởi hổ người dân nuôi từ nhỏ nên đã lớn, bản năng săn mồi rất kém.

Một cán bộ của Tổ chức Động vật châu Á thì cho rằng ở Việt Nam chưa có trung tâm cứu hộ, bảo tồn về hổ. Hiện tại đang có khoảng 3 - 4 cơ sở có khả năng nuôi được và hiện họ cũng đang nuôi. Việc nuôi để hổ có thể sinh sản thì không khó nhưng vấn đề khó khăn nhất là kinh phí để nuôi hổ, nguồn thức ăn cho hổ và không gian cần thiết. Nếu để đảm bảo phúc lợi tốt thì không một đơn vị nào dám nhận tất cả số lượng hổ lớn như thế.

Hầu hết hổ ở Việt Nam không thể tái thả được vì gần như 100% hổ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt là hổ không thuần chủng, là hổ lai. Những cá thể hổ lai, sinh cảnh của nó chưa được nghiên cứu và khả năng phù hợp với khí hậu, khả năng sinh tồn chưa được đánh giá kỹ. Hơn nữa, các vùng ở Việt Nam như vườn quốc gia hay rừng chưa được bảo vệ tốt nên nếu thả ra thì lo ngại về vấn nạn săn bắt…

Hơn nữa, nguồn gen nhân giống của các trang trại thường là nhân giống cận huyết nên khi thả ra, khả năng sinh tồn thấp và giá trị bảo tồn không có.

Hơn 20 năm qua không thấy ghi nhận hình ảnh hổ tự nhiên ở các vườn quốc gia nữa. Nên nếu thả hổ về tự nhiên rất khó, nếu muốn bảo tồn thì rất cần sự đầu tư của Nhà nước.

Tiền nuôi hổ sẽ do ngân sách chi trả

TS Phan Anh Tuấn,Trưởng bộ môn Luật Hình sự - Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định như vậy, đồng thời phân tích: 9 cá thể hổ sống được giải cứu cùng tám con hổ đã chết là vật chứng của vụ án. Do đó, việc xử lý 9 con hổ được xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng về vật chứng.

Theo điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định, phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, sau khi có kết luận giám định, Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao cho cơ quan kiểm lâm tỉnh Nghệ An xử lý 9 con hổ còn sống theo quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Vì 9 con hổ là chứng cứ của vụ án nên chi phí tạm thời nuôi chúng sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Khi cơ quan tố tụng chuyển giao cho cơ quan kiểm lâm thì cơ quan kiểm lâm sẽ chi trả việc xử lý theo pháp luật các con hổ” - TS Phan Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Hổ Đông Dương là loài hổ bản địa của Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Hổ Đông Dương được liệt kê trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mọi hành vi săn bắt, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể hoặc sản phẩm của cá thể hổ Đông Dương sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án lên đến 15 năm tù. 

Ngoài việc cần được bảo vệ để phục vụ công tác điều tra thì hổ là một cá thể động vật hoang dã đang suy giảm, rất cần được bảo tồn ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Minh Dương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vụ 9 con hổ ở Nghệ An: Khó khăn nhất là kinh phí để nuôi hổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới