Chủ nhật, 24/11/2024 05:47 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/12/2020 08:49 (GMT+7)

Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng bị 'rút ruột': Hệ lụy khó lường

Theo dõi KTMT trên

Một thực trạng đáng báo động hiện nay là rừng đặc dụng Mường Phăng ở Điện Biên đã bị lâm tặc mang cưa vào vùng lõi để triệt hạ cây rừng, ngang nhiên sơ chế, khai thác gỗ tại chỗ.

Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng bị 'rút ruột': Hệ lụy khó lường - Ảnh 1
Một nửa khúc thân cây bị sơ chế ngay trong rừng đặc dụng, còn nằm lại tại hiện trường. (Ảnh: Hải An - Xuân Tiến/TTXVN)

Theo quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rừng đặc dụng Mường Phăng (tỉnh Điện Biên) có diện tích hơn 4.436 ha, thuộc địa bàn 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ).

Tuy nhiên, thời gian qua, do công tác quản lý quá lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã dẫn đến một thực trạng đáng báo động: rừng đặc dụng Mường Phăng đã bị lâm tặc mang cưa vào vùng lõi để triệt hạ cây rừng, ngang nhiên sơ chế, khai thác gỗ tại chỗ.

Nếu thực trạng này tiếp diễn thì hệ lụy sẽ rất khó lường. 

Thảm cảnh vùng lõi rừng đặc dụng bị “rút ruột”

Vượt hơn 20 km Quốc lộ 279, đi thêm gần 10 km trên tỉnh lộ 3 nối xã Nà Nhạn với xã Mường Phăng, chúng tôi đã đi vào vùng lõi của rừng đặc dụng Mường Phăng.

Từ đường tỉnh lộ 3 (đoạn thuộc địa phận bản Bua, xã Mường Phăng), chúng tôi quyết định cất giấu xe máy trong bụi rậm ven đường và xuyên rừng để tận mắt chứng cảnh rừng đặc dụng Mường Phăng bị “rút ruột”.

Chưa đầy 5 phút đi bộ trên con đường mòn, dốc, chúng tôi đã “lạc” vào hiện trường mà lâm tặc trước đó đã thẳng tay hoành hành. Trước mắt chúng tôi là một thân cây đã bị cưa hạ, nằm cạnh gốc cây có đường kính hơn 20cm. Vết cưa trên gốc cây còn khá mới. Khu vực xung quanh vị trí thân cây bị cưa, nhiều cây lớn nhỏ khác nhau đã bị gãy, đổ.

Tiếp tục luồn rừng rậm, di chuyển sâu vào đại ngàn, ở vị trí triền dốc, chúng tôi gặp một gốc cây to đã bị cưa, vết cưa sắc lẹm, có chu vi vành thân một người ôm không xuể, đường kính đo được hơn 2 gang tay. Phần thân cây đã bị lâm tặc tẩu tán khỏi hiện trường.

Quanh vị trí gốc cây, trên diện tích rộng hàng chục m2 nằm la liệt, ngổn ngang những cành khô, phần ngọn cây. Dưới triền dốc là những tấm ván vỏ mỏng, những lớp mùn cưa dày còn sót lại của quá trình sơ chế gỗ mà lâm tặc đã ngang nhiên thực hiện ngay tại hiện trường.

Trong quá trình khó nhọc, vất vả luồn rừng, ‘xé” dây leo, dẫm đạp lên lớp thực bì ẩm ướt để mở rộng phạm vi diện tích điều tra, chúng tôi bắt gặp nhiều cây có kích thước và độ tuổi khác nhau bị lâm tặc triệt hạ. Có cây chỉ còn trơ lại phần gốc, phần thân đã bị mang đi, hoặc mang đi một phần của thân cây, phần còn lại vẫn gác lại trên những cành của các cây bên cạnh. Đặc biệt, có những cây phần gốc đã bị cạo vỏ, vết nhựa khô đọng tạo nên màu đỏ thẫm.

Len lỏi qua lớp dây leo chằng chịt, tua tủa cành phủ kín lối đi, chúng tôi lại tiếp cận được một cây cổ thụ nằm ngang trên đường. Qua quan sát, cây cổ thụ này cao hàng chục mét, chu vi vành thân khoảng một người ôm, cây bị đổ do bật gốc. Nhưng toàn bộ cành cây đã bị cưa hạ khỏi thân cây còn sót lại. Một khúc của thân cây này đã không còn nằm tại hiện trường.

Tạm nghỉ ngơi để làm dịu cơn đói, cơn khát bằng nguồn nước và lương khô mang theo, chúng tôi cẩn thận nai nịt lại trang phục để tránh côn trùng có thể tấn công khi đi rừng, rồi thay pin cho phương tiện tác nghiệp, chuyển điện thoại sang chế độ im lặng, xác định lại vị trí, phương hướng và tiếp tục “cắt” rừng, xuyên đại ngàn thâm u.

Gần một giờ đồng hồ len lỏi trong rừng rậm, khó nhọc bám víu, di chuyển trên những triền dốc trơn, chúng tôi bắt gặp hàng chục gốc cây kích thước đường kính khác nhau còn trơ lại trong rừng. Kiểm tra dấu vết cưa, chặt tại nhiều gốc cây, chúng tôi đã có câu trả lời: thực trạng đại ngàn bị lâm tặc vào đây khai thác đã diễn ra từ rất lâu.

Chúng tôi tiếp tục luồn rừng, hướng di chuyển sâu vào trong của rừng đặc dụng. Hành trình này, có đoạn chúng tôi phải nằm xuống để ngoài người, chui dưới những tán cây rừng, đu dây leo xuôi xuống triền dốc, lội qua tràng cỏ, sình lầy của ven lòng hồ Pá Khoang vừa cạn...

Lúc này nguồn nước uống mang theo của chúng tôi đã dần vơi, ai cũng thấm mệt, mồ hôi thấm ướt áo, cơ thể lấm lem bụi đất, mạng nhện. Nhưng với quyết tâm “lọt” được vào khu vực có trữ lượng gỗ lớn, nhiều cổ thụ nên chúng tôi tiếp tục hành trình...

Trên đường di chuyển, chẳng khó để chúng tôi phát hiện ra nhiều gốc cây lớn bé khác nhau bị chặt, cưa nằm rải rác trong rừng; hai mốc bêtông đánh số MP83, MP85 có nội dung “rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng” khắc sâu trên thân mốc, tô đậm bằng màu sơn đỏ cũng xuất hiện trong hành trình chúng tôi di chuyển.

Chúng tôi bất ngờ đi vào khu vực có nhiều cành, cây rừng héo khô, nằm ngổn ngang, chắn lối đi. Hiện trường một vụ “triệt hạ” cây cổ thụ của lâm tặc đã hiện ra trước mắt. Một cây có chu vi một người ôm không xuể, cao khoảng hơn 20m đã đổ vật xuống do bị cưa ở phần gốc. Dấu vết cưa hạ tại gốc còn rất mới. Bên cạnh là một cây to khác may mắn chưa bị cưa hạ nhưng một cành lớn của cây đã bị cưa cụt.

Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng bị 'rút ruột': Hệ lụy khó lường - Ảnh 2
Vết cưa máy sắc lẹm tại một thân cây to trong rừng đặc dụng, địa bàn thuộc bản Bua, xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). (Ảnh: Hải An-Xuân Tiến/TTXVN)

Tại hiện trường, những cành cây, những tấm ván vỏ còn sót lại nằm ngổn ngang, lớp mùn cưa dày gần vị trí gốc cây bị cưa hạ tỏa mùi hăng hắc, ngai ngái. Điều này càng minh chứng rằng lâm tặc đã hạ cây bằng cưa xăng cầm tay (hoạt động bằng nhiên liệu xăng) và sơ chế gỗ thành phẩm ngay trong rừng trước lúc vận xuất ra ngoài.

Chiều trở lạnh, nền nhiệt độ trong rừng xuống thấp đột ngột, để bảo đảm an toàn, chúng tôi cắt rừng tìm đường ra tỉnh lộ 3 rồi đi bộ về địa điểm điểm cất giấu xe máy. Rời khỏi rừng đặc dụng Mường Phăng, tâm trạng chúng tôi trĩu nặng bởi những câu hỏi: cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm ở đâu khi “lâm tặc” ngang nhiên vào vùng lõi rừng đặc dụng tự do chọn lựa và cưa hạ như chặt cây trong vườn nhà?. Đến bao giờ, lời cầu cứu từ rừng đặc dụng Mường Phăng mới thôi thảm thương, khẩn thiết?

Chủ rừng đã... lực bất tòng tâm?

Tại buổi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban Quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên) cho biết hiện tại, đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên giao quản lý 2.300 ha trong tổng số 4.436 ha rừng đặc dụng Mường Phăng.

Đồng thời ông Nguyễn Việt Cường khẳng định tình trạng người dân vào rừng đặc dụng Mường Phăng để “ăn trộm, tỉa cây” là có thật.

“Rừng bị chặt thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm”, ông Cường thừa nhận.

Theo lý giải của ông Nguyễn Việt Cường, địa bàn hai xã Mường Phăng và Pá Khoang có diện tích tự nhiên khoảng 9.000 ha, trong đó quy hoạch rừng đặc dụng là 4.436 ha. Số rừng tự nhiên nằm ngoài diện tích đã quy hoạch rừng đặc dụng còn lại ít, trong khi cuộc sống của người dân phụ thuộc vào rừng thì nhiều.

Trước nhu cầu tất yếu thì người dân phải dựa vào rừng đặc dụng. Dân đông, với tập quán ở nhà sàn (vật liệu chủ yếu là gỗ) và nhu cầu về củi đốt nên người dân đã vào rừng ăn trộm củi, gỗ.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Cường, việc rừng đặc dụng bị người dân khai thác trái phép theo kiểu rải rác vẫn xảy ra. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng đã phát hiện, lập biên bản 10 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trong rừng đặc dụng và bàn giao hồ sơ vụ việc cho Hạt kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ giải quyết, xử lý.

Cao điểm hằng năm là từ tháng 11, khi mực nước lòng hồ Pá Khoang (diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, nằm dàn trải, xen kẽ với rừng đặc dụng) tích nước, mực nước lòng hồ dâng cao, rất thuận lợi về giao thông đường thủy.

Lợi dụng điều này, vào ban đêm người dân trên địa bàn lén lút vào rừng khai thác gỗ rồi vận chuyển về nhà bằng thuyền gỗ. Nếu quãng đường về nhà gần thì người dân khiêng, vác thủ công. Các loài cây thường lọt vào “tầm ngắm” của người dân, khai thác về làm cột nhà sàn là cây tô hạp, cây mạy thồ lộ, cây dẻ... Để đủ số lượng gỗ cho một bộ nhà sàn, người dân phải tích trữ trong thời gian khoảng 3 năm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Việt Cường, trong gần 50 bản thuộc địa bàn 2 xã Mường Phăng, Pá Khoang thì có một số bản trở thành “điểm nóng” về tình trạng khai thác trái phép rừng đặc dụng, như: bản Xôm, bản Kéo, bản Đông Mệt… Đây là những bản gần mép nước hồ Pá Khoang.

Ông Nguyễn Việt Cường cho rằng những năm qua, việc quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng gặp khó bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đơn cử là quyền hạn, thẩm quyền của chủ rừng hạn chế, đơn vị chỉ có chức năng, nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, khi phát hiện vụ việc thì lập biên bản gửi hồ sơ cho cơ quan chuyên môn xử lý; nếu lâm tặc đã vác gỗ vào nhà thì ngoài thẩm quyền, chức năng của đơn vị.

Rừng đặc dụng Mường Phăng có nhiều lối mòn, ngõ ngách, địa hình chia cắt nên công tác tuần tra, kiểm tra của chủ rừng chủ yếu diễn ra vào ban ngày, việc tuần tra vào ban đêm và trên sông nước lòng hồ Pá Khoang còn hạn chế.

Cùng với đó, công tác phối hợp xử lý vụ việc liên quan giữa đơn vị và Hạt kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ còn hạn chế, bất cập.

"Để bảo vệ được rừng đặc dụng Mường Phăng thì tất cả các cơ quan chức năng, ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương phải vào cuộc cùng chủ rừng," ông Nguyễn Việt Cường nói.

Rừng đặc dụng Mường Phăng có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rừng đặc dụng Mường Phăng được quy hoạch chuyển tiếp, có chức năng bảo vệ di tích chiến dịch Điện Biên Phủ (di tích quốc gia đặc biệt).

Trong rừng đặc dụng Mường Phăng có khu rừng thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là khu rừng tự nhiên nguyên sinh.

Ngoài ra, tại xã Pá Khoang, Mường Phăng là rừng tái sinh. Đến nay, trạng thái cây rừng trong rừng đặc dụng đã đạt tới trạng thái loại 3, có những hệ thống thực vật, sinh cảnh phục hồi rất tốt, rất đặc trưng của khu vực Tây Bắc, đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn các nguồn gene động vật, thực vật.

Tại rừng đặc dụng Mường Phăng, phân bố ở độ cao trên 900m so với mực nước biển là các loại cây đặc trưng, chủ yếu như: cây dẻ, cây tô hạp Điện Biên, cây vối thuốc và một số cây lá rộng.

Bao năm qua, rừng đặc dụng Mường Phăng đã thực hiện chức năng đảm bảo giữ ổn định cho nguồn nước hồ thủy lợi Pá Khoang - có dung tích lớn nhất trong hệ thống hồ chứa của tỉnh Điện Biên; có chức năng phục vụ cho các công trình thủy điện ở hạ lưu và cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cả cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa Tây Bắc.

Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng bị “rút ruột” và “chảy máu” đã rõ. Nếu cơ quan chức năng, ngành kiểm lâm tỉnh Điện Biên, chính quyền địa phương các xã Pá Khoang, Mường Phăng không sớm có giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ thì từng ngày, những cây gỗ trong rừng đặc dụng Mường Phăng sẽ bị triệt hạ, dẫn đến hậu quả rừng đặc dụng bị nghèo kiệt về trữ lượng và kéo theo những hệ lụy đau lòng là điều khó tránh khỏi.

Xuân Tiến-Hải An-Xuân Tư

Bạn đang đọc bài viết Vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng bị 'rút ruột': Hệ lụy khó lường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới