Chủ nhật, 24/11/2024 04:28 (GMT+7)
Thứ năm, 28/03/2024 07:00 (GMT+7)

Vươn cao Việt Nam 2024: Chung sức, đồng lòng cùng phát triển

Theo dõi KTMT trên

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, các lãnh đạo tỉnh, thành đều khẳng định, trong năm 2024 được xác định kinh tế, xã hội sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, muốn vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước vươn cao, vươn xa, cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị để hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra.

Nam Định: Phát triển công nghệ cao song hành bảo vệ môi trường

Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh: Tỉnh có những cách đi riêng trong việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Thay vì ồ ạt mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư thì Nam Định ưu tiên thu hút những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư vào các khu công nghiệp.

Có những doanh nghiệp muốn đầu tư hàng tỷ USD để chăn nuôi lợn ở Nam Định, nhưng tỉnh không chấp thuận vì có thể ảnh hưởng tới môi trường. Phương châm của lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút doanh nghiệp đến đầu tư là “qúy hồ tinh, bất quý hồ đa”, lượng doanh nghiệp nhiều cũng tốt nhưng doanh nghiệp nhiều mà đóng góp cho sự phát triển của tỉnh ít cũng không phải tốt. Nam Định đi sau nhưng may là cơ hội chọn lựa bước đi vững chắc.

Năm 2023, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta, tập đoàn đứng thứ 3 thế giới sản xuất Macbook cho tập đoàn Apple, đầu tư tại KCN Mỹ Thuận; ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư tại KCN Hải Long; đang xúc tiến thủ tục cho Công ty Sunrise (Singapore), JiaWei (Đài Loan) đầu tư tại tỉnh; chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án sản xuất găng tay y tế của Công ty TNHH Y tế Bình An tại KCN Dệt may Rạng Đông…

Năm 2024, Nam Định tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường.

Vươn cao Việt Nam 2024: Chung sức, đồng lòng cùng phát triển - Ảnh 1
Ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định (ảnh TTXVN).

Phú Thọ: Xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024

Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực, 15/15 chỉ tiêu kinh tế -xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,45% (cùng kỳ năm 2022 là 7,97%), nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng cao trong cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng (tăng 4,3 triệu đồng), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng.

Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện; Giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm vượt tiến độ, về đích trước thời hạn. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đạt kết quả tích cực; Kết cấu hạ tầng trọng điểm tiếp tục được quan tâm đầu tư, 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ;Việc đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp được triển khai nhanh; Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm phát triển bền vững; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả quan trọng, đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên (tăng thêm 110 sản phẩm, một sản phẩm đạt 5 sao, vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025)...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là công nghiệp sản xuất truyền thống đã tác động đến đời sống, việc làm, thu ngân sách của địa phương.

Tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm, trong đó có 9/18 dự án trọng điểm, 8/15 dự án thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cho ý kiến còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Phú Thọ xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt từ 67 triệu đồng trở lên; tổng vốn đầu tư đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng trở lên; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt từ 6.872 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,6% trở lên; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 94% trở lên…

Vươn cao Việt Nam 2024: Chung sức, đồng lòng cùng phát triển - Ảnh 2
Ông Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (Ảnh TTXVN).

Hải Phòng: Bừng sáng những công trình mới

Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng khẳng định, chỉ cần qua cầu Hoàng Văn Thụ tới khu vực Bắc sông Cấm là đã có thể hình dung một Hải Phòng rất khác, một diện mạo hoàn toàn mới của Hải Phòng. Tại đây, 2 công trình thế kỷ của Thành phố là Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn đã được thi công hết sức nhanh chóng, khẩn trương, tất cả các hạng mục đều đang vượt trước tiến độ, về tổng thể vượt trước kế hoạch khoảng 3 tháng.

Có được điều đó chính là nhờ Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách và tập trung nguồn lực cho đầu tư công, cho các công trình, dự án trọng điểm và 2 công trình thế kỷ được ưu tiên đặc biệt về mọi mặt. Lãnh đạo Thành phố khẳng định chắc chắn, tới năm 2025, sẽ hoàn thành việc chuyển trung tâm hành chính chính trị sang Bắc sông Cấm. Đồng thời tổ chức nhiều sự kiện lớn tại đây như Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17; Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025…

Song song với đó, tiến độ đưa Thủy Nguyên lên thành phố đang được thúc đẩy rất nhanh; nhiều dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ thực hiện như cầu Rừng, cầu Lại Xuân, đường Đỗ Mười kéo dài; đường 10 từ cầu Đá Bạc tới cầu Kiền… Khu vực Bắc sông Cấm sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới để Hải Phòng cất cánh.

Cùng với đó là một loạt dự án khác cả trong và ngoài ngân sách như nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng nước - quốc lộ 5; cầu Máy Chai; tuyến đê biển Nam Đình Vũ; dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2; tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường kết nối từ Vĩnh Bảo, An Lão, Đồ Sơn ra đường ven biển và một loạt dự án giao thông khác. Năm 2023 cũng là năm đặc biệt thành công về phát triển nhà ở xã hội Hải Phòng với các dự án tại tổng kho 3 Lạc Viên; KCN Tràng Duệ; khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam; chung cư 5 tầng quận Đồ Sơn… Các dự án công viên, vườn hoa, cây xanh tiếp tục được quan tâm, đã hoàn thành Công viên thể thao Hồ Sen và phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án khác tại các quận.

Vươn cao Việt Nam 2024: Chung sức, đồng lòng cùng phát triển - Ảnh 3
Ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng.

Nhóm Phóng viên (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Vươn cao Việt Nam 2024: Chung sức, đồng lòng cùng phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới