Xây dựng Quy chuẩn về môi trường: Đảm bảo khoa học, khả thi, hội nhập
“Việc hoàn thiện các bản dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần đảm bảo tính khoa học, khả thi, hội nhập tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ chất lượng môi trường sống trong lành cho người dân”.
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại Hội thảo tham vấn ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, Hiệp hội và doanh nghiệp đối với 5 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về chất lượng môi trường và 3 QCVN về chất thải, được tổ chức ngày 15/12, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm bảo vệ môi trường sống trong lành cho mọi người dân. Một hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật môi trường phù hợp sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã chủ trì xây dựng và ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Các quy chuẩn này là căn cứ quan trọng để kiểm soát các hoạt động phát thải ra môi trường cũng như đánh giá chất lượng môi trường Việt Nam. “Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, yêu cầu về chất lượng môi trường của Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn và có một số thành phần cao hơn so với nhiều quốc gia khác”, Thứ trưởng đánh giá.
Về mặt pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đưa ra các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải...Đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, Luật mới đã bổ sung quy định cụ thể hơn về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, quy định nguyên tắc xây dựng, lộ trình áp dụng quy chuẩn nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam tương đồng với các nước phát triển.
“Mục tiêu hướng tới là người dân Việt Nam phải được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời bảo đảm huy động mức đầu tư hợp lý từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp từ khu vực này trong thời gian qua”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã khẩn trương rà soát, điều chỉnh và xây dựng dự thảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường và chất thải trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực và thực tế triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ở Việt Nam trong thời gian qua.
Tổng cục Môi trường đã điều chỉnh, sửa đổi đối với 8 quy chuẩn bao gồm 5 quy chuẩn chất lượng môi trường và 3 quy chuẩn về chất thải.
5 dự thảo quy chuẩn chất lượng môi trường, gồm: Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng môi trường nước mặt, nước biển, nước dưới đất; Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng môi trường không khí xung quanh, Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng môi trường đất. 3 dự thảo quy chuẩn về chất thải, gồm: Quy chuẩn Việt Nam về khí thải công nghiệp, nước thải công nghiệp và nước thải chăn nuôi.
Theo các chuyên gia, với các quy chuẩn mới được đưa ra chính là tạo cuộc cách mạng trong việc xây dựng quy chuẩn môi trường. Các nhà khoa học lưu ý, cần phải đánh giá lại mức chịu tải của môi trường để đưa ra mức tiêu chuẩn hợp lý, nhằm đảm bảo môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tống Minh