14h hôm nay, hồ Thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa xả đáy chống lũ
Vào 14 giờ hôm nay, ngày 24/6, hồ Thủy điện Hòa Bình sẽ mở cửa xả đáy thứ nhất theo Công điện số 13/CĐ-QG của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, vào hồi 7 giờ ngày 24/6, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 107,50 m, lưu lượng về hồ 3.559 m3/s, lưu lượng xả 2.325 m3/s (phát điện). Hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ 2,5 m.
Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 7 - Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình: Mở cửa xả đáy thứ nhất vào hồi 14 giờ ngày 24/6.
Đồng thời, thông báo cho chính quyền địa phương; các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy... khu vực hạ du thủy điện Hòa Bình biết để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản, an toàn đê điều.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.
Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 329/VPTT gửi các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ Hòa Bình.
Theo đó, để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi hồ xả lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang; rà soát, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động, nhất là phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ.
Trước đó, từ ngày 12-15/6, thủy điện Hòa Bình cũng đã phải lần lượt mở 5 cửa xả đáy theo lệnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai để chống lũ.
Theo các chuyên gia, bão dồn dập, mưa lũ gia tăng tần suất, cường độ sẽ tăng áp lực điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy điện của nước ta. Trong bối cảnh giá xăng dầu và than đá thế giới năm 2022 tăng rất cao thì khai thác tối đa hệ thống thủy điện sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, giá thành và ổn định giá điện cho nền kinh tế.
Thực tế, thủy điện không chỉ có vai trò lớn trong sản xuất điện để phát triển nền kinh tế mà còn tác dụng cắt lũ nếu thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.
Trước bài toán cân đối hài hòa lợi ích kinh tế của quốc gia từ thủy điện và yêu cầu đảm bảo an toàn hồ đập vào mùa mưa lũ cho thấy vai trò quan trọng của công tác dự báo xa. Trao đổi với báo chí, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn khẳng định, trong các báo cáo nhận định của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đều thừa nhận những năm gần đây công tác dự báo đã được nâng cao, song vẫn cần phải nỗ lực hơn, toàn tâm toàn ý để đáp ứng yêu cầu.
Với quá trình áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dự báo, từ năm 2023, cùng với Luật Tài nguyên nước sửa đổi, nếu chúng ta giám sát chặt chẽ được các thông số về mực nước của các hồ chứa để yêu cầu xả nếu vượt quá ngưỡng cho phép và giám sát được cửa xả thực tế thế nào..., chắc chắn công tác điều hành sẽ chính xác hơn.
Mưa lũ, bão dồn dập trong năm nay
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia vừa có báo cáo, trong các tháng tới, tình hình thiên tai ở nước ta sẽ bất thường và rất khốc liệt. Dự báo từ nay đến hết năm 2022, trên Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Có thể xuất hiện những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa tại Bắc bộ có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Còn tại ven biển Trung bộ, khoảng tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài sang tháng 12, sẽ có mưa lũ dồn dập, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân do năm nay không khí lạnh sẽ xuất hiện sớm (từ tháng 10, 11) kết hợp với bão tạo tổ hợp thời tiết xấu ở phía Nam nước ta.
Ngoài ra, khí hậu đang có những dấu hiệu thay đổi bất thường, ít gặp so với trước. Hiện tượng La Nina (gây nhiều mưa lũ, bão) đã tồn tại 3 năm liền nhưng vẫn chưa trở về trạng thái trung tính, trong khi chu kỳ bình thường là 2 năm. Dự báo trong các tháng cuối năm nay có thể tái diễn tình trạng mưa lũ, ngập lụt vào năm 2011. Đến thời điểm này, các cơ quan khí tượng thế giới cũng đã điều chỉnh, nâng mức cảnh báo và tăng xác suất mưa lũ xảy ra ở phía Nam Việt Nam lên mức nhiều hơn trung bình.
Lan Anh