3 mỏ cát ở Hà Nội được đấu giá cao "bất thường", Lãnh đạo Sở TN-MT nói gì?
Hiện giá cát đen làm vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/m3. Nhưng giá cát trúng đấu giá tại 3 mỏ cát ở Hà Nội lại lên đến gần 1 triệu đồng/m3 là điểm bất thường.
Giá cao "bất thường"
Từ ngày 5 đến 6 tháng 11, TP.Hà Nội tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát là mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), mỏ Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) và mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm).
Điều khiến dư luận bất ngờ, ngoài việc phiên đấu giá này kéo dài 21,5 giờ đồng hồ ra, thì còn về mức giá mà các nhà đầu tư chi ra để đấu giá 3 mỏ cát này. Theo đó, kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát lên đến gần 1.700 tỉ đồng, cao gấp gần 200 lần so với giá khởi điểm.
Cụ thể, đối với quyền khai thác mỏ Châu Sơn, trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703 nghìn m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn là đơn vị trúng đấu giá với giá 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Về mỏ Liên Mạc, mỏ này sở hữu trữ lượng gần 500 nghìn m3 cát, giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP là đơn vị giành quyền khai thác mỏ cát này với giá 408,290 tỷ đồng, gấp 204 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, giá khởi điểm 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng, được 16 tổ chức tham gia. Kết quả sau 21 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh với số tiền là 883,930 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Khảo sát của Báo Thanh niên cho biết, giá cát đen làm vật liệu xây dựng dọc ven sông Hồng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận nhiều năm qua và hiện nay chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/m3, đã bao gồm chi phí vận chuyển đến chân công trình. Nhưng giá cát trúng đấu giá tại 3 mỏ cát ở Hà Nội lại lên đến gần 1 triệu đồng/m3 là bất thường.
Trả lời Báo Thanh niên, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VAMB) tỏ ra bất ngờ với kết quả trúng đấu giá của 3 mỏ cát nêu trên.
Theo Chủ tịch VAMB, thời gian qua thị trường bất động sản, xây dựng đóng băng, dẫn tới nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm mạnh, kết quả đấu giá 3 mỏ cát đẩy giá lên cao như vậy là điểm bất thường.
Cũng theo ông Nga, cơ quan chức năng liên quan cần rà soát lại toàn bộ quá trình khảo sát, làm hồ sơ, tổ chức đấu giá... Đặc biệt chú trọng đến công tác khảo sát đánh giá trữ lượng các mỏ cát xem có đúng khối lượng đưa ra đấu giá hay nhiều hơn. Một vấn đề cần chú trọng nữa là vị trí, tọa độ ranh giới của mỏ cát đã đúng khu vực chưa?
Phân tích thêm về điểm này, ông Nga nói: "Dòng chảy ở sông Hồng rất mạnh. Nếu vô tình hay hữu ý đánh dấu vị trí, tọa độ ranh giới mỏ cát lệch đi là khối lượng cát hút dưới lòng sông sẽ thay đổi rất nhiều. Lớp cát dưới lòng sông bị hút đi sẽ được dòng chảy bồi lắng rất nhanh và doanh nghiệp có thể trở lại khai thác tại chính điểm đó ngay trong thời gian ngắn. Chưa kể, nếu cơ chế giám sát không chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp gian dối khối lượng khai thác. Doanh nghiệp đã xác định tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ cát thì chắc chắn rất am hiểu về loại tài nguyên, thị trường vật liệu xây dựng này, không thể có chuyện ngờ nghệch trả giá cao lên như vậy".
Đã dự kiến các tình huống, kể cả trường hợp chủ đầu tư bỏ cọc
Trả lời trên Báo Người lao động, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, 3 phiên đấu giá mỏ cát vừa qua nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư. Các phiên đấu giá diễn ra công khai, minh bạch. Kết quả 3 phiên đấu giá có 3 nhà đầu tư trả mức giá cao, hiện các cơ quan chức năng đang trong quá trình thực hiện quy trình xét và công nhận mức đấu giá với các nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo sở TM-MT Hà Nội, sau khi có quyết định thông báo chính thức của đơn vị tổ chức phiên đấu giá, sở sẽ hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng đề án, xây dựng dự án đầu tư (trong đó nêu rõ về năng lực, mức độ khai thác, công suất khai thác, thời gian khai thác...) để thẩm định và trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho hay, ban tổ chức phiên đấu giá đã dự kiến các tình huống, kể cả trường hợp chủ đầu tư bỏ cọc.
“Thực tiễn việc bỏ cọc trong các phiên đấu giá cũng không phải chuyện lạ, việc này đã được pháp luật quy định, có chế tài rõ. Khi xây dựng kế hoạch, ban tổ chức "không lường trước" được việc thời gian đấu giá kéo dài như thế. Trước đây, thành phố chưa thực sự quan tâm nhiều đến vấn đề đấu giá mỏ cát để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo kế hoạch của TP.Hà Nội, ngoài 3 mỏ cát vừa đấu giá xong thì sở sẽ tổ chức 3 phiên đấu giá 3 mỏ cát nữa trong năm 2023”, ông Quân nói.
H.A