Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu Bảo vệ môi trường biển bền vững
Trước tình hình ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông, tỉnh BR-VT đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn.
Môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế cảng nước sâu, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với đường bờ biển dài lên tới 156km (5/8 huyện, thành phố giáp biển); đồng thời cũng là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ.
Cùng nhiều tiềm năng nổi bật khác, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là nơi có nhiều lợi thế để phát triển mô hình kinh tế biển với loạt hoạt động mang hiệu quả kinh tế cao như: Khai thác dầu khí, thủy, hải sản, cảng biển và ngành du lịch.
Nhưng theo nhận định của Sở Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Việc thực hiện khai thác tiềm năng kinh tế biển tại tỉnh chưa hợp lý đã làm cho môi trường, các loại tài nguyên, nguồn lợi của biển ngày càng suy giảm và biến đổi phức tạp; các hoạt động hàng hải trên hệ thống cảng; nước thải từ các khu công nghiệp, chế biến thủy sản; tốc độ đô thị hóa... Từ những điều đó, đã tạo ra hệ lụy là sự ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các khu vực ven biển, cửa sông.
Tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển cũng là một nguyên nhân chính yếu làm phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Việc lấn biển xây dựng nhiều công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh ven biển không theo quy hoạch ở nhiều nơi đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở vùng cửa sông, cửa biển ở nhiều địa phương. Hiện tượng mặn hóa, phèn hóa gây ô nhiễm hữu cơ cho nguồn nước làm cho hệ sinh thái ven biển bị phá vỡ cân bằng tự nhiên.
Gần đây nhất, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng sạt lở bờ biển tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian gần đây, rác đại dương ồ ạt tấn công vào các bãi biển của tỉnh, tạo nên áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý môi trường của địa phương.
Cụ thể, hàng năm, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, hoặc cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam các bãi biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương dạt vào.
Mỗi đợt nhanh thì 3 đến 4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với đủ thứ rác. Đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay đã có 2 đợt rác đại dương tràn vào các bãi biển ở địa phương này. Huyện Côn Đảo và TP. Vũng Tàu là hai nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tập trung xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Hải cho biết: Để giải quyết cho tình trạng trên, đồng thời đưa ra giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở TN&MT hiện đang tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm tại các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị, trước khi đưa vào hệ thống thải chung của khu vực; tổ chức khảo sát, đánh giá tác động môi trường toàn bộ khu vực quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè khu vực ven biển nhằm xác định sức chịu tải môi trường, từ đó, sẽ điều chỉnh quy mô phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế được nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước do hoạt động nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác gây ra.
Sở TN&MT cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục, quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các cơ sở kinh doanh du lịch; giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về BVMT tại các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật về BVMT; khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển.
Cũng trong đầu tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương của Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 6 nhóm nhiệm vụ như sau: Đánh giá, rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch đề án, dự án truyền thông liên quan đến biển và đại dương; thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về biển và đại dương; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức cá nhân; ngăn chặn, xử lý thông tin sai lệch; tăng cường kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, các đoàn thế, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh trước ngày 10/12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất (theo yêu cầu) qua Sở TN-MT để tổng hợp báo cáo theo quy định.
Mai Anh