Chủ nhật, 24/11/2024 06:47 (GMT+7)
Thứ ba, 08/10/2019 07:00 (GMT+7)

Bài 2: Khu công nghiệp sinh thái - Chiến lược quy hoạch môi trường để phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trọng tâm của mô hình khu công nghiệp sinh thái (Eco-Industrial Park, viết tắt là EIP) là tạo ra một môi trường phát triển bền vững cho các doanh nghiệp thành viên, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. EIP được thiết kế nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực để tăng năng suất lao động. Mô hình này sẽ cho phép các nhà đầu tư vừa thu lợi nhuận vừa thực hiện được trách nhiệm với xã hội.

EIP trên thế giới - Giá trị của phát triển bền vững

Tại châu Âu, EIP đang hình thành và phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau, có EIP đã đi vào vận hành ổn định, có EIP đang ở giai đoạn thử nghiệm, có EIP đang nằm trong bản kế hoạch. Châu Âu từ lâu đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế vòng tròn (Circular Economy - nhấn mạnh đến việc tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác thay vì vứt bỏ hay tốn thêm chi phí xử lý) và phát triển công nghiệp sinh thái (Eco Industrial Development – nền công nghiệp giảm thải tác động đến môi trường bằng chu trình sản xuất vòng tròn).

Những chính sách này đồng thời khuyến khích các KCN chuyển đổi sang mô hình EIP. Một trong những điển hình EIP ở châu Âu là EIP Kalundborg ở Ðan Mạch. EIP Kalundborg đã chứng minh tính khả thi của việc chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững, vừa tăng năng suất vừa nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Do khan hiếm nguồn nước, 6 doanh nghiệp lớn ở EIP Kalundborg đã tái sử dụng chất thải của nhau để tạo ra sản phẩm mang lại giá trị.

Bài 2: Khu công nghiệp sinh thái - Chiến lược quy hoạch môi trường để phát triển bền vững - Ảnh 1

Toàn cảnh Khu công nghiệp sinh thái Ulsan Mipo & Onsan của Hàn Quốc. Ảnh: World Bank

Tại châu Mỹ, số liệu năm 2011 cho thấy, Mỹ và Canada có khoảng 60 dự án phát triển mạng lưới EIP, khoảng 17 dự án đã hoàn thiện và đi vào vận hành. EIP tại Brazil cũng đang xây dựng và vận hành ở giai đoạn đầu. Tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này, EIP được đánh giá là một chiến lược quy hoạch môi trường đầy tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện tình trạng xuống cấp của môi trường đô thị.

Phát triển EIP tại Brazil đòi hỏi phải tăng cường hợp tác giữa các bên: Chính phủ - các tổ chức doanh nghiệp tư nhân – cộng đồng - giới khoa học; Ðòi hỏi chính quyền địa phương phải chấp nhận sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo và chính sách quản lý.

Tại Bắc Phi, Ai Cập là một trong những nước có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất với khoảng 80 KCN. Tuy nhiên, hiện Ai Cập vẫn chưa có EIP nào. Hai dự án lớn của chính phủ Ai Cập nhằm hạn chế tác động của ngành công nghiệp tới môi trường có tên là The Environmentally Friendly New Industrial Cities Program (tạm dịch là Chương trình thành phố công nghiệp mới thân thiện với môi trường) và The Integrated Industrial Solid Waste Management in Egypt Program (tạm dịch là Chương trình tích hợp quản lý chất thải rắn của ngành công nghiệp tại Ai Cập) cũng đều không đem lại hiệu quả bảo vệ môi trường như mục tiêu đề ra.

Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc cho ra mắt chương trình phát triển EIP lần đầu tiên vào năm 1999 nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Chương trình này đã giảm thiểu và tái sử dụng rác thải công nghiệp. Ðến năm 2013, có 20 KCN đã được chứng nhận là EIP, 56 KCN khác đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình EIP. Trung Quốc phát triển EIP bằng cách quy hoạch đất đai dành cho EIP, đồng thời đưa ra các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo cho EIP.

EIP có thể được quản trị bởi nhóm doanh nghiệp, hội đồng quản trị KCN, hoặc chính quyền địa phương. Một số EIP nổi tiếng ở Trung Quốc có thể kể đến EIP Nam Hải, EIP Ðại Liên, EIP Thẩm Dương. Không chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình trong xây dựng và phát triển EIP. Chiến lược phát triển EIP của Hàn Quốc đặt trọng tâm vào việc chuyển đổi các KCN hiện có sang mô hình EIP thay vì thành lập mới EIP.

Sáng kiến xây dựng EIP được giới thiệu lần đầu ở Hàn Quốc năm 2005. Sáng kiến này ngay lập tức được Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc ủng hộ và phát triển thành chương trình quốc gia. Theo đó, chương trình phát triển EIP Hàn Quốc được thiết kế bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ 2005 đến 2009 là các dự án thí điểm chuyển đổi các tổ hợp công nghiệp sang EIP, đồng thời thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và nhận thức về EIP. Giai đoạn 2: Từ 2010 đến 2014, nhằm phổ biến rộng rãi mô hình EIP từ đó tăng số lượng EIP. Giai đoạn 3: Từ 2015 đến 2019, tổng kết kinh nghiệm của hai giai đoạn trước để điều chỉnh định hướng phát triển EIP phù hợp.

Một số gợi mở cho Việt Nam

KCN đầu tiên ở nước ta được thành lập năm 1991. Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến năm 2018, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 93 nghìn ha. Trong đó 250 KCN đã đi vào hoạt động và 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Các KCN có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của nước ta, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.

Bài 2: Khu công nghiệp sinh thái - Chiến lược quy hoạch môi trường để phát triển bền vững - Ảnh 2
Tại Việt Nam, việc triển khai thí điểm khu công nghiệp sinh thái đã tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Ảnh minh họa

Tính đến hết năm 2018, các KCN, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút khoảng 8.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt hơn 145 tỉ USD. Tuy nhiên, cũng như xu hướng chung của các KCN trên thế giới, ngoài lợi ích về kinh tế, các KCN ở Việt Nam cũng đang gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường. Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, trong 250 KCN đã đi vào hoạt động thì có 218 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ô nhiễm đất, nước, không khí tại các khu vực xung quanh KCN đang là vấn đề nhức nhối khiến cộng đồng cư dân bức xúc.

Ðứng trước thực trạng này, chính phủ nước ta cũng đánh giá cao vai trò của mô hình EIP trong mục tiêu cải thiện ô nhiễm môi trường và ứng phó BÐKH. Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kết hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO bắt đầu triển khai dự án “Sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” với tổng số vốn đầu tư hơn 5 triệu USD.

Các hoạt động của dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai và nhân rộng các công nghệ và các giải pháp sạch nhằm giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN, đồng thời chuyển đổi dài hạn các KCN hiện có sang mô hình EIP. Dự án thực hiện thí điểm tại các khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); Khu công nghiệp Hòa Khánh (thành phố Ðà Nẵng) và khu công nghiệp Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

72 doanh nghiệp từ 4 KCN được hỗ trợ cung cấp các thông tin về chuyển giao công nghệ mới nhất và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa đầu vào nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sử dụng tiết kiệm nước cũng như đảm bảo an toàn về sử dụng hóa chất và quản lý nước thải.

Sau 5 năm triển khai, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch do dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện, hơn 600.000 m3 nước sạch, hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm. Các giải pháp này đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD mỗi năm. Dự án cũng đã tiến hành đào tạo cho hơn 3.100 lượt nhà quản lý và các kỹ thuật viên về các vấn đề trọng tâm của mô hình EIP. Giai đoạn 2017-2021 của dự án sẽ tập trung vào hai lĩnh vực trọng tâm: Đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường; Thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác vì một mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.

Những thành công bước đầu của dự án Sáng kiến khu công nghiệp sinh thái cho thấy tính khả thi của mô hình EIP trong chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng BÐKH, thực hiện “mục tiêu kép”: Tốc độ tăng trưởng cao và bền vững song song với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai mô hình EIP tại nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy vẫn còn rất nhiều rào cản. Rào cản đầu tiên là nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Nếu người tiêu dùng không thay đổi thói quen tiêu dùng hướng đến các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường thì không thể thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này. Ngoài ra, các rào cản về chính sách, bao gồm chính sách chung của chính phủ và KCN, chính sách và các quy định riêng của từng doanh nghiệp.

Ðể vượt qua những rào cản này và xây dựng thành công mô hình EIP đòi hỏi phải có sự hợp tác nhiều bên: Giữa chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, giới nghiên cứu và người tiêu dùng. Trong đó, chính phủ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Chính phủ cần phát triển nhiều chính sách hỗ trợ EIP, đồng thời lôi kéo sự tham gia của người tiêu dùng vào quá trình này nhằm nâng cao nhận thức về sản phẩm xanh. Hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế cũng sẽ mang lại nhiều bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và phát triển EIP ở Việt Nam.

Hoàn La

Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Khu công nghiệp sinh thái - Chiến lược quy hoạch môi trường để phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới