Bão số 13 là cơn bão rất mạnh, có thể gây thiệt hại nặng nề cho miền Trung
Sáng nay, bão số 12 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định-Ninh Thuận gây mưa lớn trên diện rộng. Ảnh hưởng của cơn bão số 12 chưa dứt, người dân tại miền Trung sẽ tiếp tục phải hứng chịu bão số 13 (bão Vamco) với cường độ mạnh, cấp 12.
Sáng 10/11, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ứng phó với mưa lũ do bão số 12 và ứng phó bão số 13, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, cơn bão 13 có xuất phát gần giống bão số 9, nguồn nhiệt năng nuôi cơn bão mạnh lên đang rất cao.
Theo ông Khiêm, mô hình tính toán của Việt Nam trùng với các dự báo quốc tế, cơn bão này đang ở cấp 8-9, và đang tăng cấp rất nhanh, có thể đạt cấp 12-13 khi đi vào Philippines và vào Biển Đông khả năng vẫn giữ cấp 12, giật cấp 15.
“Dự báo sáng 12/11, bão sẽ đi vào Biển Đông. Khác với cơn số 10, cơn bão này di chuyển nhanh, gần giống như cơn bão số 9 và cường độ bão có thể không giảm được nhiều khi đổ bộ. Nhận định chung đây là cơn bão rất mạnh”, ông Khiêm nói.
Cụ thể, tới 10h sáng nay, 10/11, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 10h ngày 11/11, vị trí tâm bão Vàm Cỏ cách phía Nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 10h ngày 12/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10h ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hơn 1 tháng nhiều tỉnh miền Trung hứng chịu nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Phó Thủ tướng lưu ý, bão số 12 đang vào đất liền các tỉnh miền Trung, trọng tâm là khu vực Nam Trung Bộ - đây là khu vực cũng vừa hứng chịu nhiều đợt thiên tai nên tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lên phương án thật cụ thể để ứng phó với bão số 12, nhất là hoàn lưu mưa sau bão.
Đối với tuyến biển, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan liên quan cần phối hợp với các địa phương rà soát để đảm bảo an toàn cho các đối tượng, bao gồm: tàu, thuyền hoạt động trên biển cần di chuyển khỏi vùng nguy hiểm của bão, vào nơi tránh trú an toàn; khu vực nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân nào ở lại chòi canh khi bão vào; khu vực các đảo phải đảm an toàn cho người và tài sản, kể cả khách du lịch.
Với tuyến trên bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đề phòng lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nhà cửa và tính mạng người dân.
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 sẽ gây mưa lớn cho nhiều tỉnh miền Trung, do đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các địa phương rà soát để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy lợi và thủy điện.
"Bão số 13 dự báo sẽ vào Biển Đông vào sáng 12/11 và khoảng ngày 15/11 sẽ đe dọa nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung. Theo đánh giá cơn bão 13 có sức gió rất lớn, có thể giật cấp 15 nếu như không suy giảm.
Nếu bão 13 vào khu vực miền Trung có thể sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chúng ta chủ quan. Do đó, tôi đề nghị các địa phương cần gấp rút ứng phó với bão 12, mưa sau bão số 12 nhưng cũng cần sớm lên phương án ứng phó với cơn bão số 13", Phó Thủ tướng lưu ý.
Bão số 12 suy yếu thành áp thấp
Khoảng 10h sáng nay, vùng tâm bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vị trí tâm ATNĐ ngay trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 10/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Hoài Thu