Chủ nhật, 24/11/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/10/2020 16:20 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của cả thế giới

Theo dõi KTMT trên

Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học (ĐDSH) với tốc độ rất nhanh. Đây chính là thời điểm để tất cả các quốc gia trên thế giới phải kết nối hành động ngăn chặn tốc độ suy thoái, phục hồi ĐDSH.

ĐDSH có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gene vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu khác...

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng trái đất đang trải qua thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6 mà thủ phạm không ai khác chính là con người. Tuyệt chủng là quy luật tất yếu của tự nhiên nhưng tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật, thực vật hiện nay cao hơn so với mức trung bình từ 100-1.000%. IUCN thống kê, từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu héc-ta rừng bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Ngoài ra, hơn 1 triệu loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, 75% diện tích mặt đất và 66% diện tích đại dương bị thay đổi đáng kể.

Bảo tồn đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của cả thế giới - Ảnh 1
Bảo tồn đa dạng sinh học cần sự chung tay của cả thế giới. (Ảnh minh họa)

Nhiều năm nay, ĐDSH đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết, có 5 nguyên nhân chính gây mất ĐDSH do hoạt động của con người gây ra, đó là: Thay đổi nhu cầu sử dụng đất; khai thác quá mức động vật, thực vật hoang dã; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; sinh vật ngoại lai xâm hại. Dịch Covid-19 bùng phát được coi như một “cơn giận dữ” của thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng.

Tuy nhiên, nó cũng không ngăn được cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang nhanh chóng trở lại mức trước khi dịch bệnh xuất hiện; tình trạng cháy rừng, lũ lụt, mưa bão vẫn ngày càng nghiêm trọng.

Để khôi phục sự cân bằng với thiên nhiên, mới đây, các nhà lãnh đạo của hơn 60 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, Đức, Canada, New Zealand và Anh, đã cùng ký tên điện tử vào một bản cam kết nhằm đẩy lùi sự mất mát ĐDSH vào năm 2030 để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia tán thành cam kết đại diện cho hơn 1,3 tỷ người và hơn một phần tư GDP toàn cầu. Họ hứa hẹn đưa động vật hoang dã và khí hậu vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Với bản cam kết này, các quốc gia sẽ kiềm chế ô nhiễm, áp dụng các hệ thống kinh tế bền vững và loại bỏ việc đổ rác thải nhựa trên các đại dương vào giữa thế kỷ này như một phần của “hành động có ý nghĩa” nhằm ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên trên Trái đất.

Bảo tồn đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của cả thế giới - Ảnh 2
Rác thải nhựa trên biển đang trở thành nỗi ám ảnh của đại dương. (Ảnh: Internet)

64 nhà lãnh đạo từ năm châu lục cảnh báo rằng, nhân loại đang ở trong tình trạng khẩn cấp của hành tinh do khủng hoảng khí hậu và sự tàn phá tràn lan của các hệ sinh thái duy trì sự sống. Để khôi phục sự cân bằng với thiên nhiên, các chính phủ và Liên minh châu Âu đã đưa ra 10 điểm cam kết.

Các cam kết bao gồm nỗ lực đổi mới nhằm giảm nạn phá rừng, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt không bền vững, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường và bắt đầu chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất lương thực bền vững và một nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ tới. Các nhà lãnh đạo mô tả cam kết như một "bước ngoặt" mà qua đó các thế hệ tương lai sẽ đánh giá sự sẵn sàng trong hành động của những người đi trước.

Về thiên nhiên, các nhà lãnh đạo cam kết đặt động vật hoang dã và khí hậu vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, hứa hẹn giải quyết khủng hoảng khí hậu, phá rừng, suy thoái hệ sinh thái và ô nhiễm.

Thông báo này được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc diễn ra vào thứ Tư, 30/9 và nó như một phần cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc tế Paris về tự nhiên. Các vị trí phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh tuần này đã được đăng ký quá mức, với hơn 116 nguyên thủ quốc gia và chính phủ.

Khoa học cho thấy rõ ràng rằng mất ĐDSH, suy thoái đất đai và đại dương, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu đang gia tăng với tốc độ chưa từng có. Sự gia tốc này đang gây ra tác hại không thể đảo ngược đối với các hệ thống hỗ trợ cuộc sống của chúng ta và làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng cũng như nạn đói và suy dinh dưỡng”, bản cam kết viết.

Bản cam kết cho rằng: “Bất chấp các thỏa thuận và mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng về bảo vệ, sử dụng bền vững và phục hồi ĐDSH, và bất chấp nhiều câu chuyện thành công của địa phương, các xu hướng toàn cầu tiếp tục đi sai hướng nhanh chóng. Cần có một sự thay đổi mang tính cách mạng: chúng ta không thể đơn giản tiếp tục như trước đây”.

Còn tại Việt Nam, để bảo vệ ĐDSH thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐDSH; lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, thành phố...

Tuy vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái ĐDSH với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân được xác định do áp lực của gia tăng dân số đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên; quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã. Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp đã gây ra mối đe dọa lớn tới ĐDSH.

Theo Báo cáo Triển vọng ĐDSH toàn cầu (GBO) lần thứ 5 được LHQ công bố vào giữa tháng 9/2020, nhân loại đã “bỏ lỡ” tất cả các Mục tiêu ĐDSH Aichi năm 2010 để bảo tồn thiên nhiên và cứu ĐDSH của trái đất. Dù vậy, báo cáo cũng nêu ra một số tiến bộ đã đạt được như: Tỷ lệ phá rừng đã giảm khoảng 1/3 so với thập kỷ trước, ​​các khu bảo tồn tăng từ 10% lên 15% trên đất liền và từ 3% lên ít nhất 7% dưới đại dương trong 20 năm qua.

Con người vẫn còn thời gian để ngăn chặn và thậm chí đảo ngược việc mất mát ĐDSH, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ. “Thực tế cho chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm nhằm tạo ra những bước chuyển biến tích cực nhằm bảo vệ ĐDSH”, bà Lina Barrera, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chính sách quốc tế của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, nhận định.

Từ lời nói đến hành động là chặng đường dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào chính vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn nhân loại. Bảo vệ ĐDSH chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai bền vững. Đây cũng là thời điểm để tất cả các quốc gia trên thế giới phải kết nối hành động, ngăn chặn tốc độ suy thoái, phục hồi ĐDSH.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của cả thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới