Chủ nhật, 24/11/2024 10:01 (GMT+7)
Thứ năm, 09/09/2021 10:45 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học: Khởi động những nỗ lực quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Môi trường sinh thái đang ngày càng dễ bị tổn thương do sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, thế giới cần phải đẩy nhanh tiến trình bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu các mối đe dọa đối với hệ sinh thái.

Theo báo cáo về tình hình đa dạng sinh học thế giới do Diễn đàn Khoa học - Chính sách liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) thực hiện, ước tính khoảng 1 triệu loài động thực vật đang gặp nguy hiểm trong những thập niên qua. Trong đó, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Hơn 40% các loài lưỡng cư, 33% san hô và 1/3 các loài động vật có vú ở biển đang bị đe dọa.

Có thể thấy rằng, môi trường sinh thái đang ngày càng dễ bị tổn thương do sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, góp phần làm xói mòn các hệ sinh thái, đe dọa kinh tế toàn cầu. Ông Yann Wehrling, cựu Đại sứ Pháp về đa dạng sinh học, cảnh báo: "Cần phải đẩy nhanh tiến trình bảo vệ đa dạng sinh học nếu chúng ta không muốn phải trả giá đắt".

Bảo tồn đa dạng sinh học: Khởi động những nỗ lực quốc tế - Ảnh 1
Lưu vực sông Amazon. (Ảnh: Pinterest)

Sau nhiều lần trì hoãn do đại dịch Covid-19, Đại hội của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế 2021 (IUCN 2021) đã được tổ chức trong tuần đầu tháng 9. Với sự tham gia của các nhà bảo tồn thiên nhiên đến từ nhiều nước trên thế giới, của đại diện các tổ chức, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, sự kiện này diễn ra nhằm mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, xác định các ưu tiên và khởi động những hành động mới để bảo vệ hệ sinh thái. Đại hội cũng là dịp để cập nhật “Danh sách Đỏ” về các loài bị đe dọa, bàn về các nỗ lực nhằm bảo vệ các hệ động thực vật trước nguy cơ diệt vong.

Thông qua các kế hoạch hành động, Đại hội IUCN kêu gọi tăng cường bảo vệ các loài thú biển, thiết lập lệnh cấm khai thác dưới đáy biển sâu, hoặc công nhận vai trò của người dân bản địa trong bảo tồn thiên nhiên. Khoảng hơn 100 lời kêu gọi khác cũng được thông qua bằng hình thức điện tử.

Bên cạnh đó, các bên cũng đưa ra tuyên bố cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh cúm động vật do việc đưa hoạt động con người vào môi trường sống tự nhiên và những biện pháp cần thực hiện để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong giai đoạn tiếp theo.

Được biết, Pháp là quốc gia đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội Bảo tồn thiên nhiên, kể từ khi IUCN được thành lập ở Fontainebleau vào năm 1948. Đây cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường sinh học.

Bảo tồn đa dạng sinh học: Khởi động những nỗ lực quốc tế - Ảnh 2
 Tăng cường hành động quốc tế nhằm mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học. (Ảnh minh họa)

Nhận thức về mối liên quan không thể tách rời giữa sự xuống cấp của các sinh vật và biến đổi khí hậu, cũng như mối quan hệ nhân quả của chúng, Pháp đã triển khai nhiều giải pháp dựa trên tự nhiên, chẳng hạn như phục hồi hệ sinh thái để tăng cường "kho lưu giữ CO2”, kêu gọi các nước cùng soạn thảo một hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa, phân loại các khu vực để bảo vệ 30% các loài sống trên mặt đất và dưới biển từ nay đến năm 2030, hoặc thông qua một khuôn khổ chung về bảo vệ Địa Trung Hải. 

Cũng trong khuôn khổ Đại hội IUCN, nhiều diễn đàn mở được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận với những vấn đề của môi trường. Các bên tham gia cùng trao đổi và tập hợp các kiến nghị để gửi tới Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia công ước về đa dạng sinh học (COP15), dự kiến sẽ diễn ra trực tuyến vào tháng 10 và trực tiếp vào tháng 4/2022 tại Trung Quốc, nơi các nước sẽ thông qua việc thiết lập một kế hoạch toàn cầu để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái cần thiết cho nhân loại từ nay đến năm 2050.

Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ thiên nhiên cũng bày tỏ hy vọng chính phủ các nước sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Chủ tịch Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Véronique Andrieux cho biết, tổ chức này đã kêu gọi chấm dứt trợ cấp và ưu đãi thuế cho các hoạt động như nông nghiệp thâm canh, các dự án cơ sở hạ tầng neo đậu tàu thuyền trong không gian tự nhiên, công nghiệp khai thác khoáng sản... cho rằng đây là những hoạt động hủy hoại sinh thái. WWF cũng kêu gọi tăng ngân sách dành cho đa dạng sinh học, đặc biệt coi đó như một phần của kế hoạch khôi phục hậu Covid-19.

Trong bối cảnh các hệ sinh thái đang bị phá hủy và suy yếu trên toàn thế giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước hành động quyết liệt để bảo vệ đa dạng sinh học. “Loài người đang tiến hành một "cuộc chiến vô nghĩa" chống lại thiên nhiên, do vậy chỉ có hành động mạnh mẽ mới có thể chấm dứt tình trạng khủng hoảng sinh học”.

Theo đó, thế giới cần một cơ cấu khung về đa dạng sinh học sau năm 2020 nhằm truyền cảm hứng hành động trên toàn thế giới với sự tham gia của mọi chính phủ, doanh nghiệp và công dân. Mỗi người phải hành động với sự hiểu biết rằng bảo vệ thiên nhiên sẽ tạo ra một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học: Khởi động những nỗ lực quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới