Thứ năm, 28/11/2024 02:07 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/07/2020 20:14 (GMT+7)

Bất ổn và tranh chấp bủa vây, kịch bản nào cho Eximbank?

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng Nhà nước không thể tiếp tục “im lặng” để nội bộ Eximbank tự giải quyết. Bởi với ngân hàng có xung đột gay gắt như Eximbank thì cần thiết phải có vai trò của Nhà nước để điều chỉnh và uốn nắn.

"Lùm xùm" mâu thuẫn nội bộ chưa có điểm dừng

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa bất ngờ thông báo bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi vào "ghế nóng" chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) từ ngày 22/3/2019, ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc, người được ngân hàng bổ nhiệm cương vị này từ 16/12/2015, đã đưa ra những lập luận để bác bỏ hiệu lực của quyết định bổ nhiệm.

Thực trạng loạn lạc, tranh quyền đoạt ghế giữa các nhóm cổ đông Eximbank diễn ra ầm ĩ, công khai trong 5 năm nhiệm kỳ 2015-2020 đã khiến ngân hàng này “đi lùi” trong mọi mặt, làm đổ vỡ niềm tin của nhiều cổ đông, nhà đầu tư. Mà hệ quả đáng buồn là không thể tổ chức được Đại hội cổ đông, bế tắc định hướng cải tổ, làm ăn sa sút, liên tiếp xảy ra vi phạm, thiệt hại tài sản…

Năm 2016, khi nhóm cổ đông ngoài âm thầm thâu tóm Eximbank chính thức lộ diện, đưa người vào Hội đồng quản trị thì từ đây, nảy sinh những bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích, khiến tình hình ngày càng rối ren, đi vào ngõ cụt.

Ngày 30/6/2020, sau nhiều biến cố và những tranh cãi triền miên xoay quanh “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị, Eximbank đã triệu tập cùng lúc Đại hội cổ đông thường niên 2020 và Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 – đã bị trì hoãn tổ chức. Trong đó, Đại hội cổ đông thường niên (buổi sáng) sẽ tiến hành bầu lại toàn bộ Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kì 2020-2024. Việc xem xét đề xuất cắt giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 10 xuống 7 người và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các thành viên Hội đồng quản trị sẽ được thông qua vào Đại hội cổ đông bất thường (buổi chiều).

Thế nhưng cả hai cuộc họp quan trọng này đều bất thành do tỉ lệ cổ đông tham dự Đại hội cổ đông thường niên 2020 chỉ có 133 người, đại diện cho 17,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Còn cổ đông tham dự Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 chỉ có 129 người, đại diện cho 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, không đủ điều kiện để tiến hành Đại hội.

Bất ổn và tranh chấp bủa vây, kịch bản nào cho Eximbank? - Ảnh 1

Thực tế, trong 9 lần triệu tập họp Đại hội cổ đông của nhiệm kỳ 5 năm qua, Eximbank đã ghi nhận tới 7 lần bất thành, chỉ duy nhất 2 lần họp thành công và kỳ Đại hội cổ đông năm 2019 đã bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho ông Lê Minh Quốc.

Song việc bầu nữ Chủ tịch có liên quan tới Ngân hàng Nam Á này lập tức bị phản đối dữ dội, đến mức cổ đông đã nộp đơn khởi kiện ra toà để yêu cầu tuyên huỷ Nghị quyết Đại hội cổ đông. Sau đó, bà Lương Thị Cẩm Tú đã rút lui để trao lại “ghế nóng” Chủ tịch cho ông Lê Minh Quốc đảm nhận, cho đến khi chuyển giao sang ông Cao Xuân Ninh và ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ từ ngày 25/6/2020.

Sự thay đổi “chóng mặt” về nhân sự lãnh đạo chủ chốt tại Eximbank làm dấy lên đồn đoán về những mâu thuẫn, tranh giành quyền lực căng thẳng giữa các nhóm cổ đông lớn – những ông chủ thực sự của Eximbank. Mà cả 4 vị Chủ tịch nói trên đều không đại diện cho nhóm nào, hay không nhận được sự “gật đầu” ủng hộ từ các cổ đông lớn. Dường như để trì hoãn việc bầu nhân sự mới thì Đại hội cổ đông đều có chung “kịch bản thất bại” ở hai lần đầu triệu tập họp, nhờ đó sẽ dễ kiểm soát việc bầu cử nhân sự ở lần họp thứ 3 với tỉ lệ chắc thắng sẽ nghiêng về phía quyền lực hơn.

Những “lùm xùm” trong việc bầu tân Chủ tịch HĐQT tại Eximbank là minh chứng cho thấy, vấn đề về nhân sự cấp cao tại nhà băng này luôn là điểm nóng không chỉ trước đây mà còn kéo dài cho tới thời điểm hiện tại. Câu hỏi đặt ra, đến bao giờ những mâu thuẫn trong nội bộ Eximbank mới thực sự chấm dứt?

Kết quả kinh doanh “giật lùi”

Thời khó khăn của Eximbank bắt đầu từ năm 2011, với tổng tài sản của ngân hàng từ mức 183,6 ngàn tỉ đồng giảm xuống chỉ còn 161 ngàn tỉ đồng vào cuối năm 2014 và đến năm 2015 giảm xuống chưa tới 126 ngàn tỉ đồng.

Lợi nhuận cũng theo chiều hướng đi xuống. Từng là gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ nghìn tỉ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng và đạt đỉnh 3.039 tỉ vào năm 2011, sau hai năm, Eximbank “rớt đài” tụt xuống 828 tỉ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỉ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỉ đồng.

Cũng kể từ khi cựu chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục “vùng vẫy” trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Trong khi đó, liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trăm tỉ trong tài khoản của khách hàng do chính nhân viên chiếm đoạt.

Cụ thể, sau khi giảm từ mức lợi nhuận trên 3.000 tỉ năm 2011 xuống chỉ còn gần 40 tỉ năm 2015, lợi nhuận ròng của ngân hàng cải thiện lên con số 309 tỉ đồng năm 2016 và 823 tỉ năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018 lợi nhuận ròng của ngân hàng lại lùi về con số 660 tỉ đồng. Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 1/5, một con số vô cùng khiêm tốn.

Trong khi đó, nợ phải trả của Eximbank lại không ngừng tăng trong thời gian qua và cũng không hề thua kém nhiều so với mức nợ phải trả của ngân hàng giai đoạn “nghìn tỉ”. Tính tới cuối năm 2018, nợ phải trả của Eximbank vào khoảng 137.825 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2017.

Trong hơn 5 năm khủng hoảng, kết quả kinh doanh của Eximbank trồi sụt thất thường. Năm 2020, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 1.318 tỉ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm. Chưa kể, hoạt động quản trị rủi ro yếu kém đã khiến Eximbank liên tiếp xảy ra những vụ vi phạm giao dịch, mất tiền gửi, điển hình như vụ mất 245 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng ở TP.HCM, chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng tại Nghệ An…

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp (năm 2015 và 2016).

“Giải cứu” thế trậnkhủng hoảng Eximbank ra sao?

Theo đơn kêu cứu gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây, một cổ đông đã chỉ rõ những mâu thuẫn trong điều hành, xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn, đã làm trì trệ, cản trở hoạt động của Eximbank dẫn tới những hệ luỵ, thiệt hại lớn cho chính chủ sở hữu ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống...

Ở phía nhóm cổ đông liên quan Ngân hàng Nam Á thâu tóm cổ phần Eximbank cũng nảy sinh xung đột lợi ích, mà người trong cuộc tố cáo những giao dịch “lạ” chuyển nhượng hàng trăm cổ phần EIB là bất hợp pháp.

Mặc dù bà Lương Thị Cẩm Tú đã từ nhiệm, rời khỏi Nam A Bank song được cho vẫn giữ mối liên hệ với nhóm cổ đông thâu tóm Eximbank, chạy đua giành quyền lực trong Hội đồng quản trị Eximbank. Sau sự xuất hiện của bà Tú, cổ đông ngoại Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% cổ phần Eximbank lại có động thái “đổi chiều”, liên tục đưa ra các yêu cầu không phù hợp với Điều lệ Eximbank và quy định pháp luật, nhằm tạo lợi ích nhóm cục bộ, có những động thái cản trở việc tổ chức Đại hội cổ đông và thành lập Uỷ ban độc lập thuộc Hội đồng quản trị không phù hợp với Điều lệ.

Ngay cả cổ đông ngoại SMBC cũng có văn bản bác bỏ thông tin ông Yashurito Saitoh, người được bầu làm Chủ tịch Eximbank là đại diện của nhóm này. SMBC liên tục kiến nghị họp Đại hội cổ đông bất thường để thanh lọc Hội đồng quản trị, giảm số lượng và bỏ phiếu bất tín nhiệm từng thành viên.

Còn nhóm cổ đông gồm bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và Lafelle Limited nắm giữ 10,36% cổ phần Eximbank hay Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công từng tuyên bố sở hữu 12,97% đã không đăng kí dự họp Đại hội cổ đông, cũng là điều khó hiểu.

Bên cạnh đó, Eximbank còn đang bế tắc trong công tác điều hành khi nhiều năm qua, không thể bổ nhiệm Tổng giám đốc chính danh, mà theo Điều lệ ngân hàng sẽ là “người đại diện pháp luật” duy nhất.

Trước đây, Hội đồng quản trị đã có Nghị quyết bầu ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc, trình lên Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn, nhưng đến giờ vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Do không có Người đại diện pháp luật và các Chủ tịch HĐQT thay đổi liên tục nên Eximbank khó có thể điều hành quản trị, thực thi Nghị quyết đại hội, khó chỉ đạo kinh doanh, đầu tư như bình thường.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eximbank, luật sư Phạm Công Hùng (TP.HCM) cho rằng Ngân hàng Nhà nước không thể tiếp tục “im lặng” để nội bộ Eximbank tự giải quyết. Bởi với ngân hàng có xung đột gay gắt như Eximbank thì cần thiết phải có vai trò của Nhà nước để điều chỉnh và uốn nắn những mặt trái của cơ chế thị trường trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm, thao túng ngân hàng. Trước mắt, việc cần làm ngay là xem xét việc phê duyệt nhân sự dự kiến của HĐQT và Ban kiểm soát trong nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) để Đại hội cổ đông thường niên lần 2 sẽ biểu quyết, đồng thời sớm chấp thuận nhân sự dự kiến Tổng giám đốc - Người đại diện pháp luật để Eximbank bổ nhiệm chính thức. Kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, sự bất ổn trong hoạt động của một ngân hàng, xảy ra tranh chấp gay gắt sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho cả hệ thống.

Mộc Diệp

Bạn đang đọc bài viết Bất ổn và tranh chấp bủa vây, kịch bản nào cho Eximbank?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới