Chủ nhật, 24/11/2024 12:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/05/2019 20:00 (GMT+7)

Bệnh sởi và cách phòng ngừa

Theo dõi KTMT trên

Bệnh sởi là bệnh có tính lây nhiễm nhanh và khả năng cao trở thành dịch bệnh. Khi mắc bệnh nếu như bệnh nhân không được điều trị đúng cách sẽ rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Virus sởi xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp. Tại đây, virus nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và ở các hạch bạch huyết lân cận.

Sau đó, virus vào máu. Từ máu, theo các bạch cầu, virus đến các phủ tạng gây tổn thương các cơ quan và các triệu chứng lâm sàng thời kì toàn phát. Từ khoảng ngày thứ 2 - 3 từ khi mọc ban, cơ thể sinh kháng thể. Kháng thể tăng lên thì virus bị loại khỏi máu, bệnh chuyển sang thời kì lui bệnh.

Bệnh sởi và cách phòng ngừa - Ảnh 1
Khi thấy các dấu hiệu của bệnh sởi cần cho trẻ đi khám kịp thời - Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus sởi, bệnh thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2 - 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên (là những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má), đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 39 - 40 độ C.

Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những nốt đỏ hơi ngứa có thể dần lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Bệnh sởi thông thường là lành tính. Ở thể nhẹ thì khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước, để lại trên da dấu hiệu vằn da hổ. Tuy nhiên, cần thận trọng với thể sởi nặng (ác tính) có thể gây tử vong.

Bệnh sởi và cách phòng ngừa - Ảnh 2
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị lây bệnh sởi - Ảnh minh họa

Thể thông thường điển hình của bệnh sởi

Nung bệnh: 8 - 11 ngày. Khởi phát (giai đoạn viêm xuất tiết): 3 - 4 ngày. Sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao; Viêm xuất tiết mũi, họng, mắt: chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt. Nội ban xuất hiện (ngày thứ hai): gọi là hạt Koplick, đó là các hạt trắng, nhỏ mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm). Các hạt Koplick chỉ tồn tại 24 - 48h. Đây là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm và chắc chắn. Hạch bạch huyết sưng. Xét nghiệm ở giai đoạn này có bạch cầu tăng vừa, Neutro tăng.

Toàn phát (giai đoạn mọc ban): Ban mọc ngày thứ 4 - 6, ban dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6mm. Khi ban mọc đến chân, nhiệt độ giảm dần, triệu chứng toàn thân giảm dần rồi hết. Xét nghiệm ở giai đoạn này có bạch cầu giảm, Neutro giảm, lympho tăng.

Lui bệnh (giai đoạn ban bay): Thường vào ngày thứ 6, ban bắt đầu bay. Ban bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phân hay vảy cám.

Thể sởi ác tính

Các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ, vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Thường có các triệu chứng sau: sốt cao vọt 39 - 41 độ C, u ám, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái, nôn, đi ngoài phân lỏng, đái ít, xuất huyết dưới da hay phủ tạng.

Bệnh sởi và cách phòng ngừa - Ảnh 3
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh - Ảnh minh họa

Cách chăm sóc người bệnh sởi

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và các biến chứng nặng do sởi gây ra. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng, cần chú ý những nguyên tắc sau đây:

Ăn thức ăn mềm lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo thịt, súp dinh dưỡng, sữa bột các loại... và nên chia thành nhiều bữa để giúp người bệnh đủ chất dinh dưỡng cần thiết; Uống nhiều nước, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.

Giữ vệ sinh thân thể tốt, ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa. Thường xuyên rửa mặt, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh; Uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt chloramphenicol 0,1% khoảng 3 - 4 lần/ngày.

Người chăm sóc người bệnh phải rửa tay thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát khuẩn hoặc rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang; Khi người bệnh có các dấu hiệu bất thường, ví dụ đã hết sốt tự nhiên xuất hiện sốt lại, không hạ sốt sau khi dùng thuốc, ho nhiều hơn và có đờm, khó thở, tím tái, li bì, nôn trớ nhiều, có biểu hiện chói mắt hoặc đi ngoài hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đi cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Diệu Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Bệnh sởi và cách phòng ngừa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới