Chủ nhật, 24/11/2024 06:56 (GMT+7)
Thứ tư, 03/02/2021 09:03 (GMT+7)

Biến rác thải trên đỉnh Everest thành tác phẩm nghệ thuật

Theo dõi KTMT trên

Một nhóm nhà hoạt động ở Nepal đã thu gom rác thải do du khách bỏ lại trên đỉnh Everest trong vòng 10 năm. Sau đó, rác được biến thành các tác phẩm nghệ thuật nhằm nhắc nhở mọi người về sự ô nhiễm trên hành tinh.

Tommy Gustafsson, Giám đốc dự án và đồng sáng lập Sagarmatha Next Center - Trung tâm thông tin du khách và cơ sở thu gom rác thải cho biết các nghệ sĩ nước ngoài và địa phương sẽ tham gia tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ vật liệu phế thải và hướng dẫn người dân địa phương biến rác thành “vàng”.

“Chúng tôi muốn biến chất thải rắn thành những tác phẩm nghệ thuật quý giá và tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời mong rằng sẽ thay đổi nhận thức của mọi người về rác và quản lý rác”, ông Gustafsson nhấn mạnh.

Các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật sẽ được trưng bày để nâng cao nhận thức về môi trường, hoặc bán làm quà lưu niệm và số tiền thu được sẽ được dùng để bảo tồn khu vực.

Biến rác thải trên đỉnh Everest thành tác phẩm nghệ thuật - Ảnh 1
Everest biến thành bãi rác lớn nhất thế giới. (Ảnh: AFP)

Trung tâm triển lãm nằm ở độ cao 3.780 m tại Syangboche trên đường mòn chính dẫn đến trại căn cứ Everest, cách Lukla, cửa ngõ vào núi, khoảng 2 ngày đi bộ.

Nhóm môi trường có tên Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmath sẽ xử lý và phân loại rác thải từ trên núi hoặc được thu gom từ các hộ gia đình và các quán nước dọc theo đường mòn.

Rác thải trên đường tới đỉnh Everest được đổ hoặc đốt trong các hố lộ thiên, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và ô nhiễm đất. Rác ở đây bao gồm các chai oxy đã qua sử dụng, lều rách, dây thừng, thang hỏng, lon nhựa và bao bì nilon bị người leo núi xả ra trên đỉnh núi và các khu vực xung quanh.

Đỉnh Everest, được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" với độ cao gần 8.848 m, luôn là đích đến của các nhà leo núi hay các nhà thám hiểm với mong muốn được thử thách bản thân.

Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều người đến đây đang khiến ngọn núi trở thành một "tụ điểm du lịch" không có người quản lý. Họ đến rồi rời đi, để lại hàng tấn rác thải từ lều phản quang, dụng cụ leo núi, bình gas rỗng, chất thải... Điều này đang gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề môi trường.

Ngoài ra, việc biến đổi khí hậu đã khiến băng trên đỉnh núi tan ra, để lộ vô số rác thải mà đỉnh núi đã chôn giấu nó trong suốt 65 năm qua, kể từ lần đầu tiên Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục nóc nhà thế giới.

Để bảo vệ môi trường, năm 2013, giới chức Nepal đã ra quy định mỗi nhóm leo núi phải đóng tiền ký quỹ 4.000 USD và sẽ được hoàn lại nếu mỗi người đem xuống núi ít nhất 8 kg rác thải.

Ở ngọn núi Himalaya thuộc khu vực Tây Tạng, giới chức yêu cầu những người leo núi phải mang xuống đúng lượng hành lý mà họ mang lên núi, và sẽ phạt tiền 100 USD cho mỗi ký hành lý bị bỏ lại.

Theo Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha (SPCC), vào năm 2017, những người leo núi ở Nepal đã mang xuống gần 25 tấn rác và 15 tấn chất thải.

Everest lần đầu tiên được chinh phục bởi Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, người New Zealand vào năm 1953. Gần 4.000 người đã thực hiện 6.553 lần chinh phục đỉnh Everest từ sườn núi phía Nepal. Ngoài ra, đỉnh Everest cũng có thể được tiếp cận từ phía sườn núi Tây Tạng, Trung Quốc.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Biến rác thải trên đỉnh Everest thành tác phẩm nghệ thuật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới