Chủ nhật, 24/11/2024 06:44 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/10/2023 15:00 (GMT+7)

Bình Thuận tập trung phát triển năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Bình Thuận tiếp tục tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần tỷ trọng các ngành năng lượng truyền thống; không chấp thuận đầu tư các dự án điện than mới.

Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng gió và mặt trời so với các tỉnh khác của cả nước; số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình của các tỉnh khác, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định. Ngoài ra, với đặc điểm khí hậu ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010 tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Đối với điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng dự thảo Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Bình Thuận tập trung phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Bình Thuận sẽ tập trung ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận đã tập trung quảng bá, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm về năng lượng sạch trong và ngoài nước đến tham gia nghiên cứu, đầu tư. Đồng thời, bố trí quỹ đất cho các dự án, công trình năng lượng tái tạo; giải quyết nhanh chóng các thủ tục về cấp đất, đền bù, giải phóng mặt bằng khi dự án năng lượng tái tạo được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện với tổng công suất 1.409,71 MW, gồm 09 nhà máy điện gió với công suất 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời có công suất khoảng 1.110,11 MW đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Năm 2022, tổng sản lượng điện sản xuất của 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đạt 2.732,21 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện sản xuất của 09 nhà máy điện gió đạt 657,21 triệu kWh, sản lượng điện sản xuất của 26 nhà máy điện mặt trời là 2.075 triệu kWh. Nhìn chung, ngành năng lượng tái tạo thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện, điện gió trên bờ, điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đăng ký khảo sát và lập dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 09 dự án với tổng công suất 25.200 MW các nhà đầu tư đăng ký, đề xuất; trong đó, dự án Thăng Long Wind có công suất đề xuất 3.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát…

Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần tỷ trọng các ngành năng lượng truyền thống; không chấp thuận đầu tư các dự án điện than mới…; đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư đến phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp năng lượng, như sản xuất turbin, cánh quạt… theo hướng tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị kỹ thuật, giảm sự phụ thuộc việc nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào, hướng tới một ngành công nghiệp tự chủ, bền vững trong tương lai.

Trước đó, phát biểu tại lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tích cực hỗ trợ cho Bình Thuận, hướng dẫn và tháo gỡ nhanh khó khăn, ách tắc còn tồn đọng. Nhất là việc kết nối giao thông liên vùng, đôn đốc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư thứ cấp theo thẩm quyền, sớm hình thành Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ, Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ… để có thể tạo điều kiện cho dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 triển khai thuận lợi.

Riêng với các chủ đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề cao trách nhiệm, phải làm theo đúng quy trình, quy hoạch, quy định của pháp luật; khi bắt tay triển khai thi công thì phải đảm bảo được các vấn đề về môi trường, thời gian hoàn thành và chất lượng công trình.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 phải kêu gọi được các nhà đầu tư phát triển năng lượng sạch, ưu tiên chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ để phát triển xanh, bền vững đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống, tạo sinh kế cho người dân.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam có hơn 500 công trình xanh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt hơn 500 với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2.

Tin mới