Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ hai, 04/07/2022 13:00 (GMT+7)

Các doanh nghiệp vẫn nỗ lực điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Theo dõi KTMT trên

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau. Dù sản xuất - kinh doanh chưa hồi phục hoàn toàn sau dịch nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau. Trong đó mức lương trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc trong tháng và còn là căn cứ cho các doanh nghiệp đóng BHXH.

Còn đối diện với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng Công ty TNHH Ysiman (quận 10, TP.HCM) đã sẵn sàng cho việc điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ từ ngày 1/7. Mức tăng 260.000 đồng/người/tháng dù không cao nhưng tập thể lao động nơi đây rất phấn khởi bởi họ thấy được sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN).

Các doanh nghiệp vẫn nỗ lực điều chỉnh lương tối thiểu vùng - Ảnh 1
Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau. (Ảnh: Minh họa)

Duy trì phụ cấp, tăng lương

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Ysiman chia sẻ: Đến nay, hoạt động trong ngành gỗ xuất khẩu, dù cơ bản đã được phục hồi Công ty TNHH Ysiman vẫn gặp khó do nguyên - nhiên liệu tăng giá. Mới đây nhất, trong lúc công ty nỗ lực giảm giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh thì một số đối tác lại tăng giá nguyên liệu đầu vào, tạo áp lực rất lớn với DN.

Mặt khác, với chủ trương ổn định nguồn nhân lực lâu dài, ban giám đốc đã cố gắng cân đối tài chính để tăng LTT vùng cho người lao động (NLĐ). Hiện thu nhập bình quân của NLĐ tại công ty đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng. "Chúng tôi hy vọng NLĐ thấy được sự quan tâm của ban giám đốc trong giai đoạn khó khăn này, từ đó tiếp tục đồng hành vượt khó với DN".

Đợt dịch năm 2021, phần lớn công nhân (CN) tại Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12, TP.HCM) phải ngừng việc nhiều tháng do DN tạm ngưng hoạt động. Hiểu cái khó của CN, không chờ quy định của Chính phủ, tháng 2/2022, công ty đã quyết định tăng lương 200.000 đồng/tháng cho NLĐ. Từ ngày 1/7, hơn 2.500 CN tiếp tục được tăng thêm 120.000 đồng/người vào lương. Sau khi điều chỉnh, mức lương thấp nhất dành cho CN mới đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương, NLĐ còn được hỗ trợ các khoản phụ cấp như xăng xe, nhà trọ, chuyên cần, nuôi con nhỏ (50.000 đồng/tháng).

Đối với NLĐ có thâm niên, thu nhập bình quân đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Tại Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (quận Tân Phú, TP.HCM), hơn 1.200 CN cũng rất phấn khởi khi thông qua thương lượng với Công đoàn cơ sở, chủ DN đã đồng ý đưa vào thỏa ước lao động tập thể (có hiệu lực từ tháng 1/2022) điều khoản "LTT cao hơn so với quy định về LTT vùng hằng năm của Chính phủ là 10%". Với thỏa thuận này, mức lương cơ bản của CN mới sẽ đạt khoảng 5,2 triệu đồng/người/tháng. Nếu tăng ca và cộng thêm các khoản phụ cấp thì thu nhập NLĐ đạt khoảng 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Tăng hợp lý để tránh thiệt thòi cho người lao động

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM cho biết: Qua nắm bắt tình hình của Công đoàn các KCX-KCN thành phố, phần lớn các DN đều thực hiện tốt việc điều chỉnh LTT cho NLĐ, với mức tăng từ 260.000 đồng đến 300.000 đồng/người/tháng. Các DN đã tăng lương vào đầu năm thì đang xem xét để có mức tăng hợp lý hoặc chỉ tăng cho những công nhân có mức lương cơ bản thấp để tránh thiệt thòi cho NLĐ. "Qua khảo sát cho thấy bên cạnh việc tăng lương, doanh nghiệp vẫn giữ khoản tăng cao hơn LTT vùng 7% đối với NLĐ đã qua đào tạo và 5% đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại”.

Như công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP.HCM) là một trong số các DN sớm có thông báo về mức tăng LTT vùng cho NLĐ. Theo đó, mức tăng cụ thể từ 280.000 đồng đến 300.000 đồng/người, thời gian áp dụng từ ngày 1/7. Cùng với việc điều chỉnh lương, công ty cam kết giữ nguyên các chế độ phúc lợi cho NLĐ có trong thỏa ước lao động tập thể. "Việc điều chỉnh LTT vùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến DN, do vậy chúng tôi hy vọng CN hiểu và nỗ lực nhiều hơn trong công việc" - ông Chiu Fu Ung, Phó tổng giám đốc công ty, nhắn nhủ.

Công ty TNHH Ta Shuan (KCN Tân Tạo, TP.HCM) cũng đã sớm có kế hoạch điều chỉnh tăng LTT vùng cho NLĐ với mức tăng khoảng 10%. Theo ông Đinh Sỹ Khương, Giám đốc Hành chính - nhân sự công ty, việc điều chỉnh LTT là trách nhiệm của người sử dụng lao động, do vậy gặp khó đến mấy thì DN cũng phải xoay xở. Đó cũng là giải pháp thiết thực nhất để động viên NLĐ gắn bó lâu dài với DN.

Không được cắt giảm phúc lợi, phụ cấp

Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP từ ngày 1/7/2022, LTT vùng của NLĐ sẽ được điều chỉnh tăng thêm 6%. Nghị định cũng nêu rõ người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của đơn vị để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; Không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Các doanh nghiệp vẫn nỗ lực điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới