Thứ tư, 16/04/2025 06:18 (GMT+7)
Thứ ba, 15/04/2025 14:29 (GMT+7)

Các nguyên tắc xác định tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ hướng dẫn việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới phải được nghiên cứu kỹ, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).

Các nguyên tắc xác định tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập - Ảnh 1
Việc đặt tên đơn vị hành chính mới phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ảnh minh họa.

Quyết định nêu rõ nguyên tắc ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính mới.

Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn bị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến ĐVHC cấp tỉnh.

Đề án vừa được phê duyệt cũng gợi ý nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sáp nhập tỉnh.

Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị, Đề án xác định sẽ lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của 1 trong số các đơn vị hành chính hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới, để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Nguyên tắc thứ hai, trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng...). Khu vực này cũng cần dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.

Sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.

Mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng định hướng ưu tiên sắp xếp các tỉnh miền núi, đồng bằng với đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo phương án đã được Trung ương thống nhất, cả nước sau sắp xếp sẽ còn 34 tỉnh, thành thay vì 63 tỉnh, thành như hiện nay. Trong đó, có 11 địa phương giữ nguyên, 52 đơn vị còn lại được hợp nhất, sáp nhập thành 23 tỉnh, thành.

Riêng đối với tỉnh Cao Bằng có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định (6.700,4 km2 chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp.

Quang Đức

Bạn đang đọc bài viết Các nguyên tắc xác định tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới