Chủ nhật, 24/11/2024 08:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/05/2023 06:00 (GMT+7)

Châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng sóng nhiệt đang bao trùm ở nhiều quốc gia châu Á. Tháng 4 vừa qua cũng được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử.

Nhiều kỷ lục mới được xác lập

Ngày 13/5, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C và cảnh báo tình trạng thời tiết khô nóng này sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, Philippines đã ghi nhận nền nhiệt đạt đến mức "nguy hiểm" với sự kết hợp giữa nhiệt độ nằm trong khoảng 42-51 độ C và độ ẩm cao. Thủ đô Vientiane của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần qua với nhiệt độ 42,5 độ C. Thái Lan trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C vào cuối tuần trước.

Việt Nam cũng đã báo cáo nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 44,2 độ C vào đầu tháng 5. Ngay cả tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn đã đưa ra những cảnh báo nắng nóng. Đầu tuần này, nhiệt độ ở Bắc Kinh là 36 độ, tỉnh Vân Nam vốn nổi tiếng với thời tiết dễ chịu, thì gần đây cũng có nhiệt độ hơn 40 độ.

Các chuyên gia quốc tế mới đây đã cảnh báo về tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, nhiệt độ những ngày qua đang dao động trong khoảng 40-41 độ C.

Châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử - Ảnh 1
Châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử.

Tiến sĩ Soma Sen Roy - Chuyên gia Cục khí tượng Ấn Độ cho biết: "Nhiệt độ phổ biến ở mức 40-41 độ C trên khắp tây bắc Ấn Độ. Ở một số thành phố thậm chí đạt 43-44 độ C, có khả năng là khi vùng nhiễu động phía tây này di chuyển ra xa về phía đông, có thể sẽ có mưa giông. Sau đó, nhiệt độ lại tăng lên và các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra từ ngày 19-20 trở đi. Nhiệt độ cao ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân Ấn Độ.

Các cơ quan khí tượng đánh giá, xét theo nhiều tiêu chí, châu Á vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Còn trên phạm vi toàn cầu, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thu thập các dữ liệu quan trắc.

El Nino sắp quay lại vào cuối năm 2023

Trong báo cáo phân tích về biến đổi khí hậu và môi trường thế giới của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc, công bố hôm 17/5 cũng cho biết, nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục mới trong 5 năm tới và có khả năng tăng lên mức cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Hiện tượng thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương, vốn thường làm tăng nhiệt độ toàn cầu có thể quay trở lại vào cuối năm nay.

Các nhà nghiên cứu của WMO lần đầu tiên cho biết, có 66% xác suất mức tăng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu sẽ vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm của giai đoạn 2023-2027. Xác suất nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong ít nhất một năm trong 5 năm tới là 98%.

WMO cho biết, nhiệt độ toàn cầu vượt qua ngưỡng cao hơn 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, đó sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang tăng tốc nhanh như thế nào, dẫn đến mực nước biển dâng lên nhanh chóng, thời tiết khắc nghiệt hơn và sự suy tàn của các hệ sinh thái quan trọng.

Nhiệt độ ở Bắc Cực cũng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu trong 5 năm tới do băng tuyết tan nhanh.

Nhiệt độ tăng nhanh trong những năm gần đây khi thế giới tiếp tục đốt các nhiên liệu hóa thạch như than và dầu khí, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo báo cáo, hiện tượng thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương, vốn thường làm tăng nhiệt độ toàn cầu có thể quay trở lại vào cuối năm nay.

WMO cho biết, khí nhà kính cộng với tác động của El Nino sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vọt trong giai đoạn 2023-2027.

“Hiện tượng El Nino dự kiến phát triển trong những tháng tới. Kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra, điều này sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức cao chưa từng thấy, dẫn đến những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”, Tổng thư ký WMO, giáo sư Petteri Taalas cho biết trong một thông cáo hôm 17/5.

Tình trạng nóng lên toàn cầu đã góp phần gây ra những đợt nắng nóng kỷ lục trong những năm, gần đây nhất là ở các nước châu Á.

“Nhiệt độ của Trái Đất chúng ta hiện đang sắp vượt quá 1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp). Đó là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta ở gần ngưỡng tăng nhiệt độ này đến như vậy”, Adam Scaife, người đứng đầu bộ phận dự báo của Trung tâm Hadley thuộc Cơ quan Khí tượng Anh nói.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Châu Á đang phải trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới